Công an huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, ngày 11/10/2023, đơn vị tiếp nhận tố giác của dân về đối tượng Lê Văn Hiển (37 tuổi, trú tại thôn Sơn Kịch, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang sinh sống tại bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các hộ dân bằng hình thức nhận tiền để xin cấp đất tái định cư tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương, không xác định được tung tích.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Tuy Đức đã tiến hành xác minh, điều tra làm rõ và xác định đối tượng Lê Văn Hiển đang lẩn trốn tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ngày 14/10, Công an huyện Tuy Đức đã thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Hiển để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nói trên.
Hiển khai nhận, vào khoảng tháng 8/2023, trên mạng xã hội có thông tin việc cấp ủy, chính quyền có dự án cấp đất tái định cư tại khu vực Đồn 10 và Đồn 11 thuộc xã Quảng Trực cho các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại địa bàn.
Hiển giới thiệu mình có quen biết với lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng và có khả năng xin được các suất đất với điều kiện mỗi hộ dân phải đóng cho Hiển số tiền nộp hồ sơ từ 25.000 đồng đến 1.530.000 đồng, kèm theo hình ảnh 3x4 và CCCD bản photo.
Bằng các thủ đoạn nói trên, từ tháng 8/2023 cho đến nay, Hiển đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 26.220.000 đồng với khoảng hơn 40 trường hợp bị hại là các hộ dân đăng ký hồ sơ có địa chỉ cư trú tại các xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; xã Thuận Hà, huyện Đắk Song; xã Quảng Tín, xã Đắk Ru của huyện Đắk R’Lấp.
Công an huyện Tuy Đức đã thông báo trên các trang chính thống của huyện, để các hộ dân biết và đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức để trình báo vụ việc.
* Cũng trong ngày 16/10, Công an tỉnh Đắk Nông cảnh báo việc nhiều tài khoản mạng xã hội mạo danh lãnh đạo tỉnh để vay, mượn tiền của cấp dưới.
Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng dùng mạng xã hội như Zalo, Facebook… mạo danh lãnh đạo tỉnh (thường là lấy họ và tên của lãnh đạo tỉnh) nhắn tin mượn tiền. Sau khi nhắn tin, các đối tượng cho số tài khoản ngân hàng (đứng tên một người khác) để người nhận tin nhắn chuyển tiền vào.
Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân nhận được tin nhắn hay cuộc gọi video giả mạo cần báo ngay cho lực lượng công an gần nhất hoặc báo cho cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý kịp thời.