Đề nghị truy tố cựu giám đốc BIDV Phú Yên cùng nhiều thuộc cấp

VOH – Đề nghị truy tố cựu giám đốc BIDV Phú Yên cùng các đồng phạm do vi phạm quy định về cho vay của ngân hàng.

Ngày 25/4, Công an tỉnh Phú Yên vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố các cựu lãnh đạo và cán bộ của Ngân hàng BIDV Phú Yên về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Các bị can ở BIDV Phú Yên bị đề nghị truy tố: Nguyễn Công (67 tuổi, cựu giám đốc, chủ tịch hội đồng tín dụng), Nguyễn Văn Tuyến (65 tuổi, cựu phó giám đốc); Nguyễn Duy Sinh (50 tuổi, cựu phó giám đốc).

Nguyễn Phú Phong (48 tuổi, cựu trưởng phòng quan hệ khách hàng); Lê Tấn Đức (47 tuổi, cựu phó trưởng phòng quản lý rủi ro), Nguyễn Đại Hòa (44 tuổi, cựu quyền trưởng phòng quản trị tín dụng), Võ Hồng Phong (42 tuổi, cựu cán bộ phòng quan hệ khách hàng).

Trong vụ án này còn có bị can Nguyễn Thành Hiếu (45 tuổi, giám đốc Công ty Hiếu Anh) cũng bị đề nghị truy tố cùng tội danh đã nêu.

Đề nghị truy tố cựu giám đốc BIDV Phú Yên cùng nhiều thuộc cấp 1
Trụ sở BIDV chi nhánh Phú Yên nơi xảy ra vụ việc 

Theo kết luận điều tra, năm 2008 và 2009, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông thổ sản An Bình (Công ty An Bình) do ông Hồ Minh Hậu - ủy viên hội đồng quản trị vay 312 tỷ đồng tại BIDV Phú Yên.

Tài sản đảm bảo Hậu dùng thế chấp để vay số tiền trên là toàn bộ hàng sắn lát của Công ty An Bình và 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Trong đó có 8 sổ đỏ của Nguyễn Thành Hiếu (giám đốc Công ty Hiếu Anh), 3 sổ của Trần Ngọc Hưng, 1 sổ của Trần Đình Hoàng. BIDV Phú Yên tự định giá 11 sổ đỏ nêu trên là hơn 87,76 tỷ đồng.

Đến ngày 3/9/2009, Hồ Minh Hậu và Công ty An Bình vẫn không thực hiện được việc sang tên 11 sổ đỏ nêu trên cho Hậu, do vậy không thể đăng ký giao dịch bảo đảm, không hoàn thành thủ tục thế chấp để đảm bảo khoản vay tại BIDV Phú Yên.

Đến tháng 12/2009, Hậu bỏ trốn. Số nợ mà Công ty An Bình nợ BIDV Phú Yên đến thời điểm đó là 62 tỷ đồng nợ gốc và gần 1,27 tỷ đồng nợ lãi.

Cơ quan điều tra xác định việc BIDV Phú Yên cho Công ty An Bình vay trong khi 11 sổ đỏ do Hồ Minh Hậu cung cấp chưa hoàn tất thủ tục sang tên, không đăng ký giao dịch đảm bảo là vi phạm pháp luật.

Nhận thấy việc cho Công ty An Bình vay là sai quy định, không thể phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, Nguyễn Công để cấp dưới là Tuyến, Sinh, Phú Phong, Đức, Hòa và Hồng Phong thực hiện việc cho Hiếu, Hưng, Hoàng thế chấp 11 sổ đỏ (Hồ Minh Hậu từng dùng làm tài sản đảm bảo) để vay vốn tại BIDV Phú Yên, lấy một phần khoản vay này trả vào khoản nợ của Công ty An Bình…

Năm 2017, Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án này. Đến năm 2020, 2021 thì khởi tố các bị can. Các ông Công, Tuyến, Phú Phong, Đức, Hồng Phong bị tạm giam hơn 4 tháng, sau đó được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.

Bình luận