Hướng dẫn khai trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch

Trình độ văn hóa là thuật ngữ thường gặp nhất là trong việc khai sơ yếu lý lịch. Tưởng đơn giản nhưng thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp khai chưa đúng. Vậy trình độ văn hóa nên khai như thế nào?

Khi đi xin việc, việc điền sơ yếu lý lịch là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn khi điền hồ sơ cá nhân này, cũng như không nắm rõ trình độ văn hóa là gì, cách ghi trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch. Dẫn đến những nhầm lẫn không đáng có. Hãy cùng nhau tìm hiểu và khám phá về trình độ văn hóa và những điều bạn cần biết trong bài viết ngay sau đây.

Trình độ văn hóa là gì?

Trình độ văn hóa được sử dụng khá phổ biến trong các tờ sơ yếu lý lịch truyền thống từ trước đến nay. Trình độ văn hóa được hiểu là trình độ học vấn cao nhất của mỗi người. Trình độ văn hóa sẽ được đánh giá thông qua cấp bậc học phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc gia mà người đó được đào tạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

voh.com.vn-trinh-do-van-hoa-1

Trình độ văn hóa chính là trình độ học vấn (Nguồn Internet)

Cách ghi trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch

Theo quy định chung, cách ghi trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch như sau:

  • Trình độ văn hóa hệ 10 năm (thế hệ 6x và 7x): Bạn có thể ghi trình độ văn hóa của bản thân là 10/10 (nếu học hết lớp 10) hoặc 7/10 (nếu bạn học xong lớp 7).
  • Tại Việt Nam hiện nay, hệ thống giáo dục văn hóa cơ bản có 12 năm và được chia làm 3 cấp bậc học tiêu chuẩn là tiểu học (cấp I), trung học cơ sở (cấp II), trung học phổ thông (cấp III). Ngoài ra, cao hơn còn có trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học.
  • Trình độ văn hóa của bạn dựa trên hệ thống giáo dục hiện hành của Việt Nam là 12 năm thì mục “Trình độ văn hóa” sẽ được ghi theo dạng [lớp đã học/12], bạn học xong chương trình đào tạo lớp nào thì ghi rõ lớp đó. Ví dụ: 5/12, 9/12, 12/12.
  • Đối với những người đã được học hết lớp 12 và từ đại học, cao đẳng trở lên thì ghi là 12/12, còn chuyên ngành khác cao hơn thì sẽ ghi vào mục “Trình độ chuyên môn” (nếu có).

voh.com.vn-trinh-do-van-hoa-2

Mục trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch (Nguồn Internet)

Những nhầm lẫn khi kê khai sơ yếu lý lịch

  1. Nguyên quán/Quê quán

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn thường hiểu nhầm rằng nguyên quán/quê quán là nơi mình sinh ra, là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nhưng căn cứ theo Khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch 2014, Nguyên quán/Quê quán được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong Giấy đăng ký khai sinh. Tất cả thông tin nên được nhất quán và trùng với thông tin trong giấy khai sinh để thuận tiện trong các thủ tục sau này.

  1. Nơi thường trú/nơi đăng ký hộ khẩu thường trú

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú 2006, nơi thường trú/ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú là nơi bạn sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Thông tin này bạn nên lấy từ địa chỉ hộ khẩu của mình cho đảm bảo tính chính xác.

  1. Địa chỉ tạm trú

Nơi tạm trú là nơi bạn sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú (theo Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú 2006). Bạn có thể để trống nếu trong trường hợp bạn đang sinh sống tại nơi thường trú, còn nếu trong trường hợp đăng ký hộ khẩu 1 nơi và sống 1 nơi khác thì bạn ghi nơi hiện đang sinh sống.

  1. Nơi cư trú

Bạn cần phân biệt nơi cư trú và nơi thường trú, trong một vài trường hợp chúng hoàn toàn khác nhau. Nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Bạn có thể ghi 1 trong 2.

  1. Trình độ văn hóa

Nhiều người vẫn thường điền vào mục này là Đại học. Điều này là hoàn toàn sai. Trình độ văn hóa chỉ tính các cấp bậc được đào tạo trong 12 năm học. Vì vậy, chỉ cần ghi 12/12 đối với những người đang học từ Đại học trở lên. Ngoài ra, nếu đang học cao hơn bạn sẽ ghi vào mục “Trình độ chuyên môn”.

voh.com.vn-trinh-do-van-hoa-3

Trình độ văn hóa ảnh hưởng đến công việc và mức lương khi xin việc (Nguồn Internet)

Trình độ văn hóa được xem là thông tin quan trọng và không thể thiếu trong sơ yếu lý lịch nói chung và hồ sơ xin việc nói riêng. Nó còn ảnh hưởng đến công việc và mức lương của bạn, vì vậy, cần ghi đúng và trung thực. Những thông tin trên hy vọng sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn.

Hướng dẫn cách xem sổ liên lạc điện tử: Sổ liên lạc điện tử giống như cầu nối giữa phụ huynh học sinh với nhà trường. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách xem sổ liên lạc điện tử nhanh nhất.
1 công dân toàn cầu ở thời đại mới cần có những gì?: Công dân toàn cầu là gì? để trở thành 1 công dân toàn cầu cần có những điều kiện nào? Bài viết này sẽ giúp các bạn trả lời những câu hỏi ấy.