Tội phạm mua bán người - hành trình tội ác - Bài 1: Nô lệ thời hiện đại
Qua thống kê trong những năm gần đây, ở nước ta trung bình hằng năm có trên 400 vụ mua bán người bị phát hiện, nhiều vụ mua bán cùng lúc nhiều nạn nhân. Xu hướng chủ yếu của tội phạm mua bán người là dụ dỗ người trong nước đưa ra nước ngoài với nhiều thủ đoạn tinh vi, núp dưới các hình thức như: môi giới hôn nhân trái phép, xuất khẩu lao động, thăm thân nhân, du lịch. Nổi cộm nhất ở phía Bắc là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trọng điểm là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang. Ở khu vực phía Nam là 17 tuyến dọc các tỉnh giáp biên với Campuchia như: Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang. Nạn nhân chủ yếu bị đưa qua các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Singapore làm gái mại dâm, ép lấy chồng bất hợp pháp, lao động cưỡng bức, đẻ thuê.
Một khi tóm được con mồi, bọn buôn người liền thu giữ giấy tờ, hộ chiếu để nạn nhân lệ thuộc, rồi lạm dụng tình dục hoặc bóc lột sức lao động. Đáng nói là đa phần các nạn nhân bị chính những người quen biết, thậm chí là những người họ hàng của mình đem đi bán.
Một thính giả ở tỉnh Đồng Tháp đã từng gọi đến đường dây nóng phản ánh với chúng tôi về trường hợp một người cháu bị rơi vào bẫy mua bán người ở Malaysia, mà thủ phạm không ai khác chính là người bác dâu đã định cư ở nước này nhiều năm. Người này đã nhẫn tâm dụ dỗ cháu gái trong một lần về quê chơi: "Ông bác ruột đã mất nhưng bà đó là bà bác dâu, bà nói bà thấy gia đình nhỏ Thúy Hằng khổ, mà Thúy Hằng có nghề uốn tóc, làm mặt, làm móng, bà nói nghề này đi du lịch qua bển rồi làm nghề. Bà nói đi đi bà cho vé máy bay, nhỏ này tin tưởng đi liền vì nghĩ bác của mình chắc không đến nỗi nào. Bây giờ qua bên đó, nhỏ điện về nói nhỏ lọt vào tay của bà rồi, mà không phải mình nhỏ mà tới hai mươi mấy đứa lận. Gia đình điện thoại qua thì bà ấy nói ‘bộ muốn đi thì đi, muốn về thì về hả’. Bây giờ nhỏ Thúy Hằng biết tẩy của bà ấy rồi nên bà ấy không cho về. Nhỏ điện thoại về nói mấy người đi theo bà ấy giờ khổ hết sức, có người bị mất tích luôn".
Với thủ đoạn ứng trước tiền chi phí đi lại, các đối tượng đã gán cho nạn nhân các khoản nợ để rồi chúng điều khiển nạn nhân bằng chính các khoản nợ đó. Trường hợp của Thùy Vân quê ở tỉnh Hậu Giang là một ví dụ. Năm 15 tuổi, Vân từng có ước mơ đẹp là kiếm được chút tiền để phụ giúp cha mẹ và dành dụm để học nghề. Trong lúc em đang làm việc ở một công ty thủy sản thì một người hàng xóm đi nước ngoài về đã sang nhà chơi và đề cập đến một cơ hội việc làm có thể giúp em kiếm được khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình Thùy Vân đã đồng ý để em sang giúp việc nhà cho một người quen của bà ta ở Malaysia. Được ứng trước 500 USD để đi qua Malaysia theo con đường đi du lịch, khi đến nơi, Thùy Vân liền bị ông chủ bóc lột sức lao động để “cấn nợ”, và em bắt đầu cuộc sống bị giam cầm không khác gì nô lệ: "Em làm việc nhà và nuôi gà khoảng 600 con, không có thời gian để ngủ. Buổi tối 8h em đi ngủ và 10h em phải thức dậy làm việc, một ngày chỉ được ngủ 2 tiếng, ngày nào cũng vậy. Ở trong nhà em rất mất tự do, không đi đâu được, đi đâu cũng có người canh chừng. Ở trong nhà có gắn 6 cái camera quay 4 mặt, nên mọi việc làm của em, hay em đi đâu ông chủ đều thấy".
Không chỉ riêng phụ nữ mà với nhiều nam thanh niên ở nông thôn vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, thì cơ hội đổi đời do một số người quen biết thêu dệt lên, quả là có sức hấp dẫn như ma lực. Khác hoàn toàn với những viễn cảnh tốt đẹp được những kẻ buôn người vẽ ra, nơi các nạn nhân đến có khi là những vùng rừng núi hẻo lánh ở nước ngoài, ở đó, họ bị đối xử tàn tệ, điều kiện sinh hoạt thấp kém bị vắt kiệt sức lao động bằng những công việc nặng nhọc để trả khoản nợ vô lý như tiền tàu xe, tiền ăn, tiền ở... Trong người không giấy tờ tùy thân, không có tiền, rất khó để những nạn nhân này có thể trốn thoát khỏi nanh vuốt của những tên buôn người khét tiếng. Cũng từ một người bác họ giới thiệu, Tẩn Seo Trọng ở tỉnh Hà Giang đã đồng ý sang Trung Quốc làm việc. Những ngày lao động khổ sai ở một lò gạch heo hút nơi vùng rừng núi của Trung Quốc đến nay nhớ lại mà Trọng không khỏi rùng mình: "Em làm việc ở đấy rất vất vả, gạch ở trong lò nung chín rồi đi lấy, nếu sơ ý thì có thể bị đổ ra, đi thanh toán tiền công thì họ bảo lúc chúng mày đi, tiền tàu xe, tiền ăn tiền ở chúng mày còn chưa trả đủ thì đòi tiền kiểu gì".
Tội phạm mua bán người còn nhắm vào các cô gái nhẹ dạ cả tin. Bằng các thủ đoạn làm quen tình cờ hay kết bạn qua mạng, bọn chúng đã dẫn dụ các thiếu nữ sa vào tình cảm yêu đương để tạo lòng tin, rồi với các chiêu trò dẫn bạn gái đi mua sắm ở các khu vực giáp biên, chúng bán nạn nhân cho các đối tượng khác đang chờ sẵn. Câu chuyện của Ngọc Thư quê ở Lạng Sơn là một trường hợp. Năm 15 tuổi, khi đang làm công nhân cô đã gặp và quen người bạn trai mà về sau y lộ nguyên hình là một tay mua bán người chuyên nghiệp. Sau khi bị bán vào các động mại dâm ở Trung Quốc, một năm sau cô mới được giải cứu trở về trong tình trạng thân tàn ma dại.
![]() |
Lực lượng chức năng Việt Nam – Trung Quốc phối hợp giải cứu, trao trả nạn nhân trong các vụ mua bán, bắt cóc người tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu. Ảnh: QĐND. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những cô gái một khi bị bán vào các động mại dâm, sẽ bị chủ chứa mỗi ngày cho uống một chén thuốc. Không rõ là thuốc gì, nhưng nhờ chén thuốc đó mà họ có thể đủ sức để làm cái công việc đầy cay đắng tủi nhục là phải tiếp một ngày gần 20 lượt khách. Cứ vài tháng, chủ chứa sẽ thanh lọc, thải ra những người không đủ sức khỏe để đáp ứng công việc, nhiều người trong số họ đến lúc này mới có cơ may được trở về. Theo Trung tá Đinh Văn Trinh - Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an thì tội phạm mua bán người là tội xâm phạm nặng nề nhất đến quyền con người, là tội phạm nguy hiểm vì xem con người như là hàng hóa. Đã từng nhiều lần xâm nhập vào các hang ổ của bọn buôn người ở nước ngoài để giải cứu nạn nhân, trung tá Đinh Văn Trinh cho biết: "Các nạn nhân bị nhốt vào những cái phòng như phòng biệt giam rất nhỏ. Khi gặp chúng tôi thì họ là những người bị sang chấn nặng về tâm lý. Họ rất hoảng loạn và không hiểu chúng tôi là ai. Rất nhiều cô gái lấm lét nhìn chúng tôi vừa như cầu cứu vừa như né tránh. Có những cô có những vết lở loét rất nặng nhưng do không chấp hành việc đi khách nên chúng không cho thuốc, nên sức khỏe rất tồi tệ".
Dù trải qua một quãng đời nhiều đau đớn, nhưng cũng còn là may mắn đối với những nạn nhân được trở về bằng cách này hay cách khác. Bởi vẫn còn đó biết bao nạn nhân đang phải sống cuộc đời nô lệ, bị bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, bị lấy cắp nội tạng và thậm chí bị thủ tiêu như một món hàng đã hết hạn sử dụng. Nạn mua bán người đang diễn tiến ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức tinh vi, song, đáng nói là không ít người vì thiếu hiểu biết, mà trong hành trình đi tìm những cơ hội mới để đổi đời, họ không hề nhận ra mình sắp rơi vào tay của bọn buôn người.