Kháng nghị thu hồi BIDV hơn 1.600 tỷ đồng

(VOH) – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để trả cho Ngân hàng Xây dựng.

Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm một phần bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó đáng chú ý, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ đồng từ Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để trả cho Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng).

Nghiên cứu bản án phúc thẩm, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, việc Tòa cấp phúc thẩm không buộc BIDV phải hoàn trả số tiền hơn 1.600 tỷ cho Ngân hàng Xây dựng là không có căn cứ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Bị cáo Phạm Công Danh nghe tòa tuyên án ngày 25/12/2018. (Ảnh: TTXVN)

Theo Viện Kiểm sát, thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng trong giai đoạn 2 của vụ án là do các ngân hàng Sacombank, TPbank, BIDV thu hồi nợ từ tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại các ngân hàng này.

Theo quy định pháp luật, toàn bộ số tiền thiệt hại phải được khắc phục và lẽ ra phải thu hồi toàn bộ số tiền hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trên. Án sơ thẩm tuyên thu hồi theo dòng tiền Phạm Công Danh đã vay và đã sử dụng, là đã áp dụng biện pháp cần thiết để thu hồi khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.

Các tổ chức, cá nhân đã nhận tiền của Phạm Công Danh phải bồi hoàn lại cho Ngân hàng Xây dựng.

Năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) cần tiền để sử dụng, nhưng không thể vay trực tiếp tại Ngân hàng Xây dựng nên đã sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, TPBank, BIDV, rồi dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi tại 3 ngân hàng này bảo lãnh cho các khoản vay.

Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại của Ngân hàng Xây dựng hơn 6.100 tỷ đồng khi 29 công ty không có khả năng trả nợ.

Trong đó liên quan đến BIDV, Phạm Công Danh đã dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn.

Khi ấy, vào ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại Hội sở chính của BIDV) đã có hành vi ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Quản lý rủi ro, trên cơ sở các thành viên Ban này đồng ý về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay số tiền 4.700 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên thu hồi 1633 tỉ đồng của BIDV hoàn trả cho CB. Tuy nhiên, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM đã sửa án sơ thẩm, tuyên BIDV không phải hoàn trả cho CB số tiền 1633 tỉ đồng.

Theo VKSND Tối cao, việc tuyên BIDV không phải trả 1633 tỉ đồng là không có căn cứ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Đối với số tiền 4500 tỉ đồng được xác định là tiền của ông Phạm Công Danh đưa vào dòng tiền của Ngân hàng Xây dựng để nâng vốn điều lệ.

Thế nhưng thực chất vốn điều lệ của VNCB vẫn là 3000 tỉ đồng, ngân hàng vẫn chưa nâng vốn điều lệ hay hạch toán với số tiền 4500 tỉ đồng này. Tòa sơ thẩm tuyên thu hồi 4500 tỉ đồng này để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo theo VKS là không có căn cứ.

Theo kháng nghị, nguồn gốc số tiền 4500 tỉ đồng là bất hợp pháp và không phải là tiền của Phạm Công Danh vì số tiền này do Phạm Công Danh đi vay bất hợp pháp, đã bị xử lý trong vụ án này ở giai đoạn 1 được xử sơ thẩm vào năm 2016.

Ông Phạm Công Danh đã sử dụng 4500 tỉ đồng hòa vào dòng vốn của Ngân hàng Xây Dựng nên không có cơ sở hoàn trả cho ông Danh số tiền này một lần nữa.