Khi bồi thường thiệt hại án oan sai, cần tính đến người có liên quan

(VOH) - Chiều ngày 27/3, Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo góp ý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành, thiệt hại được bồi thường, quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, phục hồi danh dự, kinh phí bồi thường, trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác bồi thường Nhà nước.

Góp ý cho Luật này, nhiều đại biểu cho rằng, ngoài những đối tượng bị thiệt hại trực tiếp như chịu án oan sai, cần tính đến yếu tố bồi thường đối với người bị thiệt hại liên đới, ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm, sức khỏe, tiền của, nhất là trẻ vị thành niên mà gia đình có cha hoặc mẹ bị án oan sai, đứa trẻ đó chịu tổn thương rất lớn về tâm lý, thậm chí có khi rơi vào trường hợp không được dạy dỗ, học hành tử tế, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Buổi góp ý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chiều 27/3 tại TPHCM

Bà Hoàng Hà, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đặt vấn đề: “Tôi nghĩ là Luật nên đưa vào một trong những trường hợp bồi thường đối với trẻ vị thành niên mà cha mẹ bị kết án, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng. Trong trường hợp trẻ vị thành niên bị bắt oan nhưng không còn người thân, thì đứa trẻ này có được tự mình đứng ra yêu cầu bồi thường được không ?”

Ngoài ra, trong trường hợp những đối tượng chịu ảnh hưởng từ thông tin công bố sai lệch của cơ quan chức năng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng trong khung hình phạt của Luật hình sự, Dân sự đều không có quy định mức phạt và bồi thường tiền đối với những sai phạm này thì nên bổ sung thêm những ràng buộc, yêu cầu pháp lý bồi thường thiệt hại, danh dự.  

Dẫn chứng cho trường hợp này, ông Hoàng Duy Dương – Phó Phòng Pháp chế Công an TPHCM nêu, có doanh nghiệp tại Hà Nội sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, công bố là sản phẩm xúc xích của đơn vị này có chất gây ung thư. Sau khi thông tin công bố, dư luận đã tẩy chay sản phẩm, sau đó truyền thông vào cuộc và sản phẩm được kiểm định trở lại.

Kết luận cho thấy không đúng như nhận định ban đầu. Sản phẩm này không hề có chất gây ung thư. Tuy nhiên, chính vì công bố này mà khiến doanh nghiệp điêu đứng, mất uy tín, đánh mất thương hiệu, người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm khiến doanh nghiệp thậm chí phải đi đến phá sản:

“Điều 31 và điều 55 quy định về hình thức, danh dự, áp dụng thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, ngoài ra một số hành vi ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, tổ chức thì dự thảo chưa đề cập đến, đề nghị quy định thêm. Đối với một số trường hợp khác mà người ta chứng minh có căn cứ là bị thiệt hại về danh dự và yêu cầu được khôi phục về danh dự mà không thuộc hai trường hợp tại điều 31 thì vẫn được áp dụng”.

Ngoài ra, đối với những thông tin do truyền thông đưa tin sai lệch, Luật cần quy định chi tiết về xin lỗi công khai để thấy rằng việc xin lỗi đó có thiện chi và được trân trọng…Tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết sẽ chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp chuyên trách tới đây để ban soạn thảo có nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Bình luận