Khởi tố vụ án tài xế Mercedes tông chết người tại hầm Kim Liên

(VOH) - Cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, điều tra vụ tai nạn làm hai người chết tại hầm Kim Liên.

Thông tin từ Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ” vụ tai nạn làm 2 người chết tại hầm đường bộ Kim Liên hôm 1/5 vừa qua.

Hai nạn nhân là Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).

Tài xế điều khiển chiếc xe ô tô Mercedes GLA BKS BKS 30F - 154.78 là Lê Trung Hiếu (SN 1980, ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).

tông chết người, hầm Kim Liên

Lái xe Lê Trung Hiếu - người gây tai nạn khiến 2 phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên bị khởi tố. Ảnh VOV

Sau tai nạn, tài xế ô tô Mercedes không dừng lại hiện trường mà bỏ chạy đến ngã 3 đường Đại Cổ Việt - Tạ Quang Bửu, thì bị tổ công tác đặc biệt Y4, 141 (Công an TP Hà Nội) giữ lại.  

Theo cơ quan công an, tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được của Lê Trung Hiếu là 0,751mg/1 lít khí thở. Sau khi bị giữ, tài xế Lê Trung Hiếu bước đầu khai đã có 13 năm cầm lái, buổi tối 30-4 có cùng nhóm bạn trên phố Thợ Nhuộm uống khoảng 6 chai bia, sau đó uống tiếp rượu. Sau cuộc vui, Hiếu đưa một số bạn bè về nhà, sau đó mới xảy ra tai nạn (trên xe có 1 mình Hiếu).

Được biết, nạn nhân Trần Thị Quỳnh hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Trong quá trình công tác, cô giáo Quỳnh có chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và phụ huynh các em học sinh quý mến. Còn nạn nhân Đinh Thị Hải Yến hiện đang công tác ở Nhà hát kịch Việt Nam.

Liên quan tới vụ tai nạn trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp luật hiện nay thì hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo Điều 260 BLHS 2015. Đây là thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.

Theo quan điểm của Luật sư, cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý. “nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh “giết người”, Luật sư cho hay.