Chiều 8/4, Công an TPHCM thông tin, ngày 3/4, Công an TP nhận được trao đổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết từ khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2019, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công gây vết thương trên người.
Khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ nơi nhiều người bị thanh niên dùng vật sắc nhọn đâm (Ảnh minh họa: Vietbao)
Sau khi tiếp nhận thông tin trao đổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung truy xét, truy tìm đối tượng.
Chiều 4/4, lực lượng công an quận đã phối hợp với Tổ công tác 363, công an phường... tuần tra, phát hiện bắt giữ Châu Kiều Bình Huy (30 tuổi, ngụ P.2, Q.6). Thời điểm bị bắt giữ, công an thu giữ được một vật nhọn trong túi xách của Huy. Người này có dấu hiệu tinh thần không ổn định...
Huy đã có 1 tiền án trộm tài sản, 1 tiền sự cai nghiện ma túy. Tiến hành kiểm tra nhà của Huy, công an thu giữ nhiều vật kim loại dạng xoắn, nhọn. Huy khai nhận đã thực hiện 6 vụ dùng vật sắc nhọn gây thương tích cho người đi đường.
Hiện Công an Q.5 đang phối hợp Bệnh viện Nhiệt Đới xác minh thêm nạn nhân để xác định chính xác. Đồng thời, giám định tâm thần đối với Huy để phục vụ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trưa 8/4, BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, các trường hợp bị đâm vật nhọn đã được xử lý, điều trị phơi nhiễm HIV. Đa số trường hợp này bị đâm vào tay, lưng; nạn nhân đến bệnh viện với tâm trạng rất lo lắng.
“Bệnh viện đã có công văn khẩn gửi cho các cơ quan chức năng. Về mặt chuyên môn, bệnh viện cũng tư vấn cho người dân bị nạn yên tâm, không hốt hoảng trước sự việc xảy ra”, bác sĩ Hùng thông tin.
Những cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
- Phơi nhiễm HIV do tổn thương da chảy máu: xối ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
- Phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: rửa sạch bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0.9% liên tục trong 5 phút.
- Phơi nhiễm qua miệng, mũi: rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0.9%; xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0.9% nhiều lần.
Khi xảy ra sự cố phơi nhiễm, cần xử lý kịp thời tại vết thương và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Nếu dùng thuốc trễ (sau 72 giờ đầu) thì không có hiệu quả. Người bị phơi nhiễm cần làm các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.