Nghiệp đoàn xe ôm “tay không bắt cướp”

(VOH) - Qua những câu chuyện về những đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm "tay không bắt cướp" có thể nhận thấy một điều rằng, khi chứng kiến sự việc, họ chẳng màn nghĩ đến lợi ích bản thân mình, không nghĩ đến sự nguy hiểm, sẳn sàng đấu tranh với cái xấu, đấu tranh với tội phạm để đem lại sự bình yên cho mọi người.

Tháng 12/2007, Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định, quận 1, TPHCM được thành lập. Đó cũng là mốc thời gian ông Võ Việt Cường hành nghề xe ôm ở khu vực đường Trần Quang Khải trở thành đoàn viên của Nghiệp đoàn. Vào Nghiệp đoàn, hoạt động đưa đón khách được ông thực hiện bài bản hơn theo thứ tự sắp xếp trước sau, hài hòa lợi ích của tất cả đoàn viên, không còn cảnh tranh giành khách giữa những người hành nghề xe ôm với nhau. Hơn thế nữa, ông càng ý thức tuân thủ luật lệ an toàn giao thông khi vận chuyển hành khách để đảm bảo an toàn, cư xử với khách có văn hóa và đặc biệt là luôn ý thức bảo vệ tài sản cho hành khách và những người dân khu vực xung quanh bến bãi hoạt động của Nghiệp đoàn.

Ông Võ Việt Cường còn nhớ như in ngày mùng 4 Tết năm 2009, khi vừa thả khách ở khu vực gần công viên Lê Văn Tám, nhìn thấy 1 đối tượng chạy chân đất, ở trần chạy về hướng mình, phía sau là có 1 đôi vợ chồng chạy xe máy đuổi theo la cướp, cướp. Ông liền bỏ xe lao ra chặn lại, lao vào và quật ngã đối tượng xuống đường, trên tay đối tượng cầm sợi dây chuyền vừa giật được có trọng lượng 7,5 chỉ vàng. Những người dân xung quanh đã cùng ông giao đối tượng cho công an xử lý. Đó chỉ là 1 trong hơn 30 vụ mà ông đã trực tiếp bắt hoặc tham gia cùng với anh em trong Nghiệp đoàn bắt các đối tượng cướp giật trên đường phố trong 8 năm qua. 

Gần đây nhất vào ngày 10/2/2014, khi đang chạy xe trên đường, ông thấy một thanh niên giật chiếc ví của hai người phụ nữ đang chạy xe cùng chiều. Ngay lập tức, ông Cường quay lại đuổi theo tên cướp, khi đến dốc cầu Hoàng Hoa Thám, do va quẹt với một xe máy chạy ngược chiều nên ông bị ngã vào lề đường nên bọn cướp đã chạy thoát. Sau cú ngã đó, ngón tay út bên bàn tay trái của ông bị vết thương rất dài và gãy xương, ông được mọi người đưa vào bệnh viện để băng bó chữa trị. Vì vậy ông phải nghỉ hành nghề trong một thời gian để ngón tay bình phục, tốn kém chi phí thuốc men, cuộc sống gia đình sẽ khó khăn hơn vì ông là lao động chính trong gia đình. Dù vậy nhưng ông rất vui, vui vì người bị nạn đã lấy lại được túi xách và vì ông cảm thấy mình đã làm được 1 điều có ích. Ông nói: "Theo tôi thì mình giúp ích cho xã hội, cho người dân đi đường, mà khi người ta bị mất của thì cũng như gia đình mình bị thôi, đôi khi cũng sơ hở. Vấn đề bây giờ là đối tượng cướp giật rất là manh động, thành ra mình hỗ trợ cho vấn đề an ninh trật tự giúp ích cho địa phương, giúp ích cho người dân đi đường. Lớn tuổi rồi, mình cũng cố đóng góp một phần công sức nhỏ mọn trong xã hội, để giúp đỡ xã hội, để xây dựng thành phố mang tên Bác

có những năm tháng bình yên, không còn cảnh bọn trộm cướp lộng hành".

Với thành tích hơn 30 lần tham gia bắt cướp, ông Võ Việt Cường được báo Công an TPHCM tuyên dương trong chương trình ”Gương sáng phố phường” và trao tặng danh hiệu: “Hiệp sĩ đường phố”. Không riêng gì ông Cường mà gần như 152 đoàn viên trong Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định cũng rất tích cực trong đuổi bắt bọn cướp giật trên đường phố dù biết rằng việc làm này có thể nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về tài sản của mình. Phương tiện bắt cướp của họ chỉ là hai bàn tay không và tất cả sức lực của mình cùng 1 quyết tâm ngăn chặn bọn tội phạm.


Ông Võ Việt Cường (bìa phải) - bị thương trong một lần tham gia bắt cướp - Ảnh: NLĐ.

Như ông Đặng Văn Tiễn, năm nay đã 68 tuổi hành nghề trước khu vực chợ Tân Định. Vào lúc 15 giờ 40 phút ngày 15/2 vừa qua, trong lúc đậu xe để chờ khách, ông đã phát hiện 1 đối tượng từ ngoài đường lao vào trong nhà của một người dân gần đó giật chiếc điện thoại đời mới đắt tiền. Không nghĩ ngợi gì, ông lao ra túm lấy tên cướp khi hắn đã leo lên xe của đồng bọn chờ sẵn. Do đối tượng trẻ, to con nên ông cũng bị kéo lê trên đường đến vài mét. Dù lúc đó hai đầu gối bị trầy xước rất đau nhưng ông vẫn kiên quyết không buông tay. Ngay lập tức những anh em đoàn viên khác cũng vừa tới kịp hỗ trợ ông bắt gọn tên cướp giao cho công an phường xử lý cùng tang vật. Còn trong năm 2013, ông cũng đã có tới 2 lần tham gia bắt cướp, 1 vụ bắt đối tượng giật dây chuyền và bắt nóng đối tượng vừa mới ra tù đã gây án. Ngoài trực tiếp bắt cướp, ông còn thường xuyên nhắc nhở bà con tiểu thương và người đi chợ nâng cao ý thức giữ gìn tài sản, không để bọn trộm cướp có cơ hội ra tay. Khi nói về việc làm của mình, ông Đặng Văn Tiễn cho rằng: "

Nhiệm vụ bắt cướp là hành động chung của toàn Nghiệp đoàn. Thấy chuyện sai trái thì mình phải ra tay nhưng đó chính là giữ gìn an ninh trật tự cho tất cả bà con đi chợ. Nhiều khi tôi cũng nhắc nhở bà con khi đi chợ hãy cẩn thận đừng để cho bọn trộm cướp phát hiện. Mình thấy sai trái thì mình tham gia, mình không ngại gì đến tấm thân mình hết, nhào tới mà chụp liền. Thấy tôi già bắt cướp thì anh em trẻ hỗ trợ tôi, đó là cái gương".

Còn ở Nghiệp đoàn xe ôm phường Nguyễn Thái Bình, 187 đoàn viên của Nghiệp đoàn hành nghề tại khu vực trạm xe buýt Sài Gòn lại càng ý thức hơn trong tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Chỉ tính từ khi thành lập vào tháng 12/2007 cho đến nay, anh em trong Nghiệp đoàn đã bắt được trên 30 vụ cướp giật, trong đó có 24 vụ được Công an phường, Liên đoàn Lao động quận 1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận ghi nhận và khen thưởng. Riêng ông Trần Hùng Vỹ , Phó chủ tịch Nghiệp đoàn, dù tuổi cao, sức yếu nhưng luôn là tấm gương cho đoàn viên trong Nghiệp đoàn noi theo trong đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Ông kể, vào ngày 28/1/2010, khi đang đậu xe hành nghề, có 1 đối tượng đến gạ bán cho ông 1 chiếc xe Wave không giấy tờ đăng ký với giá rẻ. Nhận thấy thái độ bất thường của đối tượng, ông liền cố tình trao đổi, câu lưu, kéo dài thời gian và ngầm báo cho công an khu vực. Sau khi công an đến bắt, đối tượng khai tên Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1985 vừa cướp được chiếc xe này ở huyện Hóc Môn và mang đến quận 1 để bán. Rồi như đoàn viên Nguyễn Văn Tài, vào ngày 23 Tết nguyên đán năm 2014 vừa qua cũng đã bắt được 1 đối tượng móc túi lấy laptop của một hành khách ở bến xe buýt Sài Gòn.

Việc bắt cướp được nhiều đoàn viên tham gia bởi không chỉ là làm chuyện nghĩa hiệp hay thấy chuyện bất bình ra tay mà chính là ý thức trong xây dựng hình ảnh đẹp của những người hành nghề xe ôm của Nghiệp đoàn, tạo sự thân thiện, tin tưởng của hành khách khi lựa chọn dịch vụ xe ôm làm phương tiện đi lại. Và quan trọng hơn là góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực trung tâm thành phố. Ông Trần Hùng Vỹ, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nói thêm:

"Chủ yếu nhất là vấn đề làm ăn. Có nghĩa là anh là người tội phạm, anh tới khu vực của tụi tôi anh giựt dọc, móc túi của người khác thì ai dám tới đây đi xe ôm của tụi tôi nữa, có nghĩa là anh vi phạm vào chén cơm của tụi tôi thì tụi tôi sẵn sàng ra tay triệt mấy anh để giữ chén cơm. Đầu tiên là như vậy. Rồi sau này khi thành lập Nghiệp đoàn, qua sự giáo dục của Liên đoàn Lao động quận 1, qua những buổi tập huấn, hội nghị kèm theo vai trò rất quan trọng của anh cảnh sát khu vực, sâu sát vào từng hoạt động, sinh hoạt của Nghiệp đoàn thì phong trào phòng chống tội phạm rất là mạnh".

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động quận 1, trong năm 2013, 1.757 đoàn viên ở 10 Nghiệp đoàn xe ôm trên địa bàn 10 phường của quận đã cung cấp rất nhiều nguồn tin cho công an và tích cực tham gia truy bắt tội phạm. Chỉ tính riêng Nghiệp đoàn xe ôm phường Bến Thành đã cung cấp cho công an 736 nguồn tin có giá trị và tham gia truy bắt 8 vụ cướp giật giao công an phường xử lý. Hay như Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định tham gia truy bắt 5 vụ cướp giật và cung cấp 12 nguồn tin cho công an phường. Ngoài ra, đoàn viên các Nghiệp đoàn còn tham gia điều tiết giao thông giờ cao điểm, tham gia vào đội xung kích cơ động và thành lập đội sơ cấp cứu tại chổ. Ông Nguyễn Thành Đô - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1 khẳng định: "

Các Nghiệp đoàn xe ôm hỗ trợ cho địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Như là Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định, Nghiệp đoàn xe ôm phường Bến Thành, Nghiệp đoàn xe ôm phường Nguyễn Cư Trinh, Nghiệp đoàn xe ôm phường Nguyễn Thái Bình, Nghiệp đoàn xe ôm phường Cầu Ông Lãnh... mà đặc biệt là Nghiệp đoàn xe ôm phường Tận Định đã có nhiều thành viên tham gia vào truy bắt tội phạm, đã bắt rất nhiều vụ cướp. Hiệu quả trong việc truy bắt tội phạm cũng đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo niềm tin cho người dân".

Qua những câu chuyện về những đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm "tay không bắt cướp" có thể nhận thấy một điều rằng, khi chứng kiến sự việc, họ chẳng màn nghĩ đến lợi ích bản thân mình, không nghĩ đến sự nguy hiểm, sẳn sàng đấu tranh với cái xấu, đấu tranh với tội phạm để đem lại sự bình yên cho mọi người. Thiết nghĩ, mô hình hoạt động của các Nghiệp đoàn xe ôm trên địa bàn quận 1 có thể nhân rộng ra tất cả các quận, huyện khác của TPHCM để phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu.