Những khuất tất từ vụ tranh chấp chuyển nhượng nhà đất ở Bình Dương

VOH - Biết đất tranh chấp thừa kế, vợ chồng bà Phương nói vẫn chuyển đủ 6 tỷ đồng tiền mặt cho ông Lên đã 87 tuổi với nhiều tình tiết khuất tất? Công lý đã được thực thi tại TAND tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Lên (sinh 1930) và bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh 1932 ), cư ngụ tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương là vợ chồng từ năm 1957 có 8 người con.

Bà Hạnh được cha mẹ ruột để lại khối tài sản gồm đất và nhà được UBND thành phố Thuận An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, số vào sổ CH04867/LT ngày 12/12/2012 do bà Hạnh đứng tên.

Năm 2014 bà Hạnh mất, lúc này trong gia đình xảy ra nhiều bất hòa giữa ông Lên (là cha ruột) và những người con vì ông Lên đòi phân chia tài sản, trong khi những người con thống nhất không phân chia chỉ để ở giữ tài sản làm kỷ niệm.

Mâu thuẫn ngày càng dâng cao khi ông Lên tự ý ký hợp đồng chuyển nhượng một phần tài sản mà bà Hạnh đang đứng tên cho ông Đoàn Đức Duy với tổng giá trị chuyển nhượng 3 tỷ đồng, đặt cọc trước 600 triệu đồng.

Những khuất tất từ vụ tranh chấp chuyển nhượng đất ở Bình Dương 1
Bản án số 14 ngày 19/7/2022 của Tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương

Tháng 1/2015 ông Lên khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung với bà Hạnh và được tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương chấp nhận yêu cầu khởi kiện và ông Lên được chia một phần tài sản trong khối tài sản mà bà Hạnh (vợ ông Lên ) đứng tên (bản án sơ thẩm số 24/2017/DS-ST ngày 29/9/2017).

Ngày 14/10/2017 ông Lên lại tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất (phần mà ông được hưởng) cho bà Nguyễn Thị Trúc Phương (là vợ ông Đoàn Đức Duy), với giá trị chuyển nhượng lên đến 6 tỷ đồng, lúc này ông Lên đã 87 tuổi.

Nhưng do bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên ông Lên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Lên và bà Phương không được công chứng.

Ở tuổi gần 90 ai nói cái gì cũng nghe cộng thêm nỗi bất hòa trong gia đình, ông Lên đã lập di chúc để lại tài sản theo phân chia của mình cho bà Phương.

Thời điểm này việc tranh chấp tài sản giữa ông Lên và các con trong gia đình cũng đang trong quá trình phúc thẩm xem xét thì ông Lên chết.

Các con chính là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lên đã rút đơn khởi kiện và kháng cáo. Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trước đó (bản án dân sự phúc thẩm số 362/2019/DS-PT ngày 30/7/2019). Điều này đồng nghĩa với việc tất cả tài sản của ông Lên, bà Hạnh thuộc về 8 người con ruột.

Ông Nguyễn Hữu Lợi - một trong tám người con của ông Lên cho biết vẫn muốn làm theo nguyện vọng của những người trong gia đình giữ lại tất cả di sản để làm kỷ niệm.

Ông Lợi bày tỏ, giấy tờ ngày xưa ông bà để lại tài sản này cho mẹ tôi, mẹ tôi đứng tên riêng nên nó thuộc về sở hữu của mẹ tôi. Hơn nữa tâm nguyện của mẹ tôi là muốn giữ tài sản của ông bà để lại, chứ không có ý định bán đi. Gia đình có sự cố ba tôi già đổi tính nết muốn bán, gây áp lực với mẹ tôi, trong gia đình người nào cũng tìm mọi cách ngăn cản để ba không bán tài sản đó.

"Sau này thấy ba tôi già yếu người mua lợi dụng ba tôi làm một số thủ tục khuất tất về mua bán nhà. Thực ra nó chưa là tài sản riêng của ba thì không được bán nên tòa sơ thẩm đã bác, nhưng bên mua trình ra giấy mượn nợ gì đó của ba tôi có nhiều khuất tất nên gia đình bức xúc", ông Lợi chia sẻ.

Quay trở lại hợp đồng chuyển nhượng đầy khuất tất giữa ông Lên và vợ chồng bà Phương, ông Duy, hầu như những việc làm của ông Lên lúc cuối đời các người con ông đều không biết, chỉ khi ông Lên mất thì bà Phương ông Duy làm đơn khởi kiện đòi tài sản theo hợp đồng đã ký trước đó, các con ông Lên mới vỡ lẽ.

Bởi khi giao dịch nhận tiền hay hợp đồng mua bán chuyển nhượng tài sản… chỉ có ông Lên cùng những người làm chứng là “người quen” của vợ chồng bà Phương, trong khi đó ông Lên tuổi đã già, đầu óc không được minh mẫn lại đơn phương ký những hợp đồng chuyển nhượng, nhận cọc có giá trị lớn, liệu có ổn không?

Tại tòa cấp sơ thẩm tỉnh Bình Dương, vợ chồng bà Phương đưa ra những chứng từ, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng… nhưng không có căn cứ pháp lý, nhiều mâu thuẫn.

Chẳng hạn hợp đồng đặt cọc ngày 30/10/2014 giữa ông Lên và vợ chồng bà Phương là 3 tỷ đồng nhưng đến ngày 14/7/2017 giá trị hợp đồng lại ghi 6 tỷ đồng, trong khi giá tại thời điểm này theo kết quả của Hội đồng định giá thì chưa tới 3 tỷ đồng.  Không lẽ vợ chồng bà Phương chấp nhận mua mức giá quá cao một cách bất thường so với giá thị trường thời điểm đó?

Mặt khác, vợ chồng bà Phương trưng ra những chứng từ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017 vợ chồng bà đã đưa cho ông Lên tổng cộng 6 tỷ đồng, đặt cọc trước 600 triệu, sau đó có lúc đưa 30 triệu, có lúc 50 triệu, lúc 20 triệu, 7 triệu…

Đây là điều bất hợp lý vì không có một tài sản chuyển nhượng nào mà bên bán, bên mua lại chấp nhận phương án trả lắt nhắt đến như vậy. Hơn nữa thời điểm này ông Lên đã 87 tuổi, bệnh tật và đầu óc không còn minh mẫn, trong khi đó, vợ chồng bà Phương thừa biết đó là tài sản đang tranh chấp mà lại chấp nhận đưa cho ông Lên số tiền lớn là điều vô lý.

Về điểm này luật sư Nguyễn Mạnh Hiến, người tiếp cận vụ việc nhận định giao dịch dịch này không hợp lý, thể hiện những tình tiết rất bất bình thường.

Chẳng hạn năm 2014 bên mua đã biết bà Hạnh chết, nhà đất đó đã phát sinh thừa kế, tức là một mình ông Lên không thể chuyển nhượng được mà sao vẫn chấp nhận ký giao dịch? Ngay cả số tiền 3 tỷ đồng mà bên mua trả cũng là một cái bất lợi cho bên mua khi không chắc chắn nhận được nhà mà vẫn chấp nhận trả tiền?

Năm 2015 ông Lên khởi kiện tranh chấp tài sản trong gia đình, lúc này người mua biết rõ nhưng vẫn không có ý kiến gì tại tòa để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nhà đất đang tranh chấp mà người mua lại ký tiếp một hợp đồng với ông Lên cao gấp đôi so với hợp đồng trước và thanh toán tiền mặt một lần là điều không thể có, chỉ người không bình thường mới làm việc đó.

Khi đó bên mua có những giấy chuyển tiền vài chục triệu đồng qua ngân hàng cho ông Lên thì lẽ gì khoản 6 tỷ đồng tiền nhà mà người mua lại trả tiền mặt? Thông thường không ai nhận tiền mặt với số lượng lớn như thế, hơn nữa ông Lên cũng đã già, không còn minh mẫn…chuyện đó rõ ràng là không có thật", ý kiến Luật sư Hiến.

Ngoài ra còn những cái ẩn chứa đằng sau giao dịch khuất tất này như chuyện mua bán chuyển nhượng bình thường thì đâu phải lập di chúc làm gì, rõ ràng bên mua biết không thể đạt được lợi ích nên đã tìm cách bày ra nhiều thủ thuật để che dấu bản chất sự việc, Luật sư Hiến đặt vấn đề.

Một điểm lưu ý khác là khối tài sản tranh chấp này trước đây là của bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Lên) khi bà Hạnh chết thì ông Lên chỉ được hưởng một phần di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Đằng này ông lại chuyển nhượng toàn bộ tài sản này cho vợ chồng bà Phương vào ngày 30/10/2014 mà chưa qua tách thửa, đo vẽ, kiểm tra nội nghiệp là sai với quy định pháp luật.

Mặt khác, vợ chồng bà Phương thừa biết đây là tài sản đang tranh chấp giữa ông Lên và những người con trong gia đình, nhưng lại dám bỏ ra một số tiền lớn để mua mà không biết khi nào mình được sở hữu là không hợp lẽ thường trong giao dịch.

Điều vô lý là khi giao dịch, chuyển nhượng mua bán bất động sản…ngoài hợp đồng chuyển nhượng được công chứng thì không có người mua nào chấp nhận trả hết số tiền lớn để bên bán làm di chúc đảm bảo cho tài sản của mình, trong khi đó giữa bên bán và bên mua không có họ hàng gì hết. Đây chính là điều khuất tất lớn trong vụ việc tranh chấp này.

Sự việc quá rõ ràng, thế nhưng vợ chồng bà Phương vẫn cố chấp cho rằng mình được quyền sở hữu khối tài sản trên vì đã trả hết tiền cho ông Lên.

Tại phiên tòa sơ thẩm tỉnh Bình Dương ngày 19/7/2022 vợ chồng bà Phương (nguyên đơn) luôn cho rằng mình đúng và đưa ra những yêu cầu vô lý như đòi số tiền lãi hơn 2 tỷ đồng trong thời gian từ 14/10/2017 đến 19/7/ 2022, vì đã chuyển cho ông Lên 6 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng nhà đất năm 2014. 

Những chứng cứ mà vợ chồng bà Phương trưng ra tại tòa như: giấy giao nhận tiền, đơn xin xác nhận ranh giới đất, tờ xác nhận ranh giới đất, giấy ủy quyền, giấy cam đoan ủy quyền…được phân viện khoa học hình sự tại TPHCM cho kết luận giám định là chữ ký và chữ viết không phải do cùng một người viết ra, tức là có người giả chữ ký và chữ viết của ông Lên.

Những khuất tất từ vụ tranh chấp chuyển nhượng đất ở Bình Dương 2
Kết luận giám định chữ ký.

Chỉ bấy nhiêu tình tiết đã cho thấy vụ việc tranh chấp này có sự tính toán, mưu mẹo từ phía nguyên đơn.

Sự thật vẫn là sự thật. Tại bản án số 14/2022/DS-ST ngày 19/7/2022 Tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương tuyên bố vô hiệu “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 14/10/2017” giữa bà Nguyễn Thị Trúc Phương và ông Nguyễn Văn Lên.

Tòa chỉ chấp nhận một phần của Nguyên đơn là nhận lại số tiền 882 triệu đồng do bà Phương đã chuyển cho ông Lên (lúc còn sống) do có giấy tờ chứng minh được.

Như vậy đã rõ, sự lươn lẹo mưu cầu chiếm đoạt tài sản của của vợ chồng bà Phương được Tòa án Nhân Dân tỉnh Bình Dương đưa ra ánh sáng, công lý đã được thực thi.

Bình luận