Theo ông Mạnh, việc bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng ngày 14/11 căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Cường (giang hồ cộm cán với biệt danh Cường "quắt", 37 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn từ 2020 - 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỷ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Để gây sức ép với doanh nghiệp, Cường cùng đồng bọn tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi tại các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha hòng xác lập quyền sở hữu trái phép để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được với giá 1.500 đồng/m³.
Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.
Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Theo ông Mạnh, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản.
Việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đều được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình, quy định, có cơ chế kiểm soát.
Hoạt động của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát trực tiếp, toàn diện, chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.