Phiên xử đầu tiên tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên TPHCM

(VOH) - Ngày 1/6, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ hai bị cáo Vũ Trường Sơn (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Nghệ An) và T.N.Y.T. (sinh năm 1997, ngụ quận Gò Vấp TPHCM). Đây là vụ án đầu tiên được Tòa Gia đình và người chưa thành niên của TAND TPHCM đưa ra xét xử sau gần hai tháng ra mắt, đi vào hoạt động.

Mô hình Tòa Gia đình và người chưa thành niên của TAND TPHCM

Bị cáo T. khi phạm tội ở tuổi vị thành niên nên vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm tại tòa chuyên trách này.

Tại phiên xử phúc thẩm, trong phần thẩm vấn, các bị cáo cho biết chưa nhận được quyết định kháng nghị của Viện KSND TPHCM. Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

Theo bản án sơ thẩm, hai bị cáo Sơn và T. đều nghiện ma túy, cùng thuê phòng sống chung tại một nhà trọ thuộc xã Bình Mỹ huyện Củ Chi TPHCM.

Vào lúc 6 giờ sáng 4/10/2015, Sơn điều khiển xe máy đến khu vực An Sương mua 39 tép hêrôin mang về phòng trọ.

Tại đây, Sơn cùng T. sử dụng hết 4 tép hêrôin. Một tiếng đồng hồ sau, có hai con nghiện không rõ lai lịch liên hệ Sơn mua 2 tép hêrôin.

Sơn đưa ma túy cho T. đi giao hàng. Vì người mua ma túy không có tiền nên thế chấp bằng điện thoại di động, đưa T. cầm về đưa Sơn.

Cũng trong buổi sáng này, Sơn điều khiển xe gắn máy chở T. mang theo 33 tép hêrôin còn lại đến tuyến bờ đê sông Sài Gòn (thuộc xã Nhị Bình huyện Hóc Môn) để bán thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Tháng 3/2016, TAND huyện Hóc Môn xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Sơn mức án 3 năm 6 tháng tù, T. 2 năm 6 tháng tù cùng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

Sau phiên xử, Viện KSND TPHCM có Quyết định kháng nghị phúc thẩm một phần bản án sơ thẩm.

Viện kiểm sát nhận định: các bị cáo bán ma túy nhiều lần nhưng bản án sơ thẩm không xử theo điểm b khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự (phạm tội nhiều lần); đồng thời bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết các bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự khi lượng hình. Từ đó, Viện KSND TPHCM đề nghị TAND TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng tăng khung, tăng hình phạt và áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với hai bị cáo.

Không giống với những phòng xử án khác, trong phòng xử tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa ngồi cùng hàng, đối diện với luật sư, phía trước hội đồng xét xử. Bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa để tránh sự căng thẳng về mặt tâm lý.