Ngày 16/11, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức (TPHCM) đã tuyên phạt Nguyễn Anh Thắng (sinh năm 1985, trú tại đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM) 6 năm 6 tháng tù theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cơ quan chức năng đã phát hiện 64 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm bị nuôi nhốt trái phép tại nhà của đối tượng.
Trước đó, ngày 18/8/2020, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân qua đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD 1800-1522 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận 9 (nay là Công an thành phố Thủ Đức), đã trinh sát và phát hiện, tịch thu 64 cá thể rùa quý hiếm đang bị nuôi nhốt trái phép tại nhà của Nguyễn Anh Thắng (sinh năm 1985) trú tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM.
Nguyễn Anh Thắng là một đối tượng chuyên rao bán các cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube và Zalo.
Qua kết luận giám định từ cơ quan chức năn 64 cá thể rùa thu giữ đều không phải là những cá thể rùa có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và bao gồm: 04 cá thể rùa phóng xạ, 06 cá thể rùa sao Myanmar, 12 cá thể rùa sao Ấn Độ, 03 cá thể rùa da báo, 39 cá thể rùa Sulcata.
Trong đó, rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar và rùa sao Ấn Độ là các loài ĐVHD được liệt kê trong Phụ lục I Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Với số lượng lớn tang vật là các loài ĐVHD được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật quốc tế.
Việc nuôi nhốt, mua bán rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và không đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo loài bị vi phạm, số lượng hoặc giá trị các cá thể bị vi phạm, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các cá thể rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù tối đa đối với cá nhân lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 234, 244 BLHS.
Hành vi quảng cáo trái phép các loài rùa bị cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật như rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar và rùa sao Ấn Độ cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng theo quy định tại Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), rùa là một trong các loài thường xuyên bị ghi nhận nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép để làm cảnh tại Việt Nam. Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu thành công 362 cá thể rùa từ các vụ việc có liên quan. Con số đó vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận là 292 cá thể. Đáng chú ý, hoạt động buôn bán, nuôi nhốt các loài ngoại lai như rùa đang có chiều hướng gia tăng. Hoạt động này đang tiểm ẩn nhiều mối nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học nếu các cá thể này bị thả về tự nhiên cũng như nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD. ENV khuyến cáo người dân không nuôi nhốt và tiếp tay cho các hoạt động buôn bán rùa cũng như các loài ĐVHD ngoại lai trái phép tại Việt Nam. Nếu có thông tin những vi phạm về ĐVHD xin gọi đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522. |