Sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn bị xử lý ra sao?

(VOH) - Một thính giả không cho biết tên đã hỏi về các qui định pháp luật liên quan đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng.

Luật An toàn thực phẩm 2010 có các qui định nghiêm cấm những hành vi sử dụng chất phụ gia thực phẩm, những chất hỗ trợ chế biến thực phẩm quá hạn sử dụng, ngoài danh mục cho phép sử dụng hoặc trong danh mục mà vượt quá giới hạn cho phép.

Nghiêm cấm sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu thực phẩm quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn để chế biến; sử dụng  thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm độc, tác nhân gây ô nhiễm quá giới hạn cho phép; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng.

Người tiêu dùng nếu phát hiện các hành vi vi phạm thì phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền.

Việc xử phạt  hành chính các hành vi vi phạm qui định về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn có thể bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Điều 244 Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 qui định người nào chế biến, cung cấp thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, gây thiệt hại tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1- 5 năm; phạm tội rất nghiêm trọng phạt tù  3-10 năm; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù từ 7- 15 năm. Ngoài hình thức phạt tù người phạm tội còn có thể  bị phạt tiền từ 5 triệu đền 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1- 5 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu và luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Ban Tuyên truyền Hội Luật gia thành phố trả lời:

 Chân gà nhập khẩu đã quá hạn sử dụng.Hình minh họa