Siết chặt bẫy tín dụng đen ‘núp bóng’ cho vay online

(VOH) - Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, tín dụng đen càng biến tướng hơn, tinh vi hơn khi núp bóng dưới hình thức cho vay online.

Vì vậy người dân cần cảnh giác trước bẫy tín dụng này để tránh những hệ lụy khó lường về sau.

Chị Trần Thị Toan, nhân viên của Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam tại Bình Phước cho biết, sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19, thu nhập giảm sút, công nhân đa phần đều có nhu cầu rất lớn để trang trải chi phí, sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, do ít có thông tin nên phần lớn anh chị em công nhân khi có nhu cầu đều dễ vướng vào bẫy tín dụng đen của nhiều tổ chức, cá nhân trá hình, núp bóng - mà thực chất là cho vay nặng lãi. Bản thân chị Toan cũng từng gặp phải tình cảnh tương tự khi một người bạn của mình đi vay phải tín dụng đen. “Bằng cách thức nào đó, nhóm này có số điện thoại của tôi và liên tục gọi điện thoại hối thúc, đe dọa nếu bạn tôi không hoàn trả gốc và lãi đúng thời gian quy định. Các đối tượng này thậm chí còn bôi nhọ danh dự, đăng tải trên các trang mạng xã hội làm cảm thấy không an toàn”

Chia sẻ của chị Toan không phải là trường hợp duy nhất. Đã có rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi.

Siết chặt bẫy tín dụng đen ‘núp bóng’ cho vay online 1
Chưa bao giờ bẫy tín dụng đen lại giăng mắc khắp nơi như thế này. Ảnh chụp tại hẻm 250 Nguyễn Xí, phường 13, Bình Thạnh

Gần đây, có hàng loạt câu chuyện cảnh báo về rủi ro khi vay tiền tín dụng đen núp bóng vay online. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một đường dây cho vay tín dụng xuyên quốc gia, “treo” mức lãi suất vay từ 1.500% đến trên 2.100%/năm. Nhiều trường hợp khác lãi "nhẹ nhàng" hơn thì cũng lên đến vài trăm %/năm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho tín dụng đen núp bóng cho vay online ngày càng phát triển là do các App vay tiền hiện nay khá đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi mọi lúc mọi nơi… Ngoài ra, có một số người dân bị sập vẫy tín dụng đen còn do bản thân không phân biệt được đâu là ứng dụng của các đơn vị được cấp phép và đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Ông Kalidas Ghose, CEO Công ty tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT) khuyến cáo: “Để giảm thiểu rủi ro khi vay tín dụng online, các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Đồng thời, các công ty tài chính, ngân hàng nhà nước phải đồng hành với người vay để đảm bảo họ có tài chính cho các khoản trả hàng tháng. Từ đó, tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh”

Rõ ràng, để có thể hạn chế tình trạng người dân vay phải tín dụng đen thì cần phải đẩy mạnh việc cho vay ở các kênh vay tiền chính thức của Nhà nước. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, người dân luôn có nhu cầu chính đáng để vay tiêu dùng qua hình thức tín dụng với những gói nhỏ lẻ trong những tình thế cấp bách để trang trải sinh hoạt thường ngày. Đây là nhu cầu mà Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để triển khai. Tuy nhiên, theo ông Tú, với những nhu cầu vay không chính thức, hay nói đúng hơn là vi phạm pháp luật nhằm phục vụ cho các hoạt động lô đề, cá độ  hay những tệ nạn xã hội thì phần này các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ, kể cả ở phía cầu lẫn cung. Những tổ chức, cá nhân nào lợi dụng núp bóng dưới mọi hình thức, kể cả các công ty nhà nước hay các tổ chức phi pháp, nếu phát hiện đều phải dẹp bỏ. Đây là điều mà chúng tôi đã nhận diện được và có những giải pháp phối hợp.

Ông Đào Minh Tú cho biết: “Thời gian qua, NHNN đã tăng cường hệ thống dịch vụ cung ứng, cho vay những khoản cho vay tiêu dùng đến đông đảo mọi đối tượng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nông dân, công nhân. Bên cạnh những giải pháp đang thực hiện, chúng tôi cũng đang hoàn thiện tiếp hệ thống pháp luật để các tổ chức tài chính, tín dụng, các Ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục rườm rà để người dân dễ dàng tiếp cận với những khoản tín dụng không phải là lớn - khoảng vài chục triệu đồng để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như con cái ốm đau, ma chay, cưới hỏi… Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường tín dụng qua tổ chức tài chính vi mô để tạo điều kiện cho người yếu thế có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng”

Cũng theo ông Tú, tất cả hệ thống ngân hàng chính thức, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có quy mô lớn cũng như các tổ chức tín dụng hợp tác,với 1.200 quỹ tín dụng hiện nay đang hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố  và các công ty tài chính với trên 420 chương trình, dự án tài chính vi mô hiện nay ở các tỉnh/thành phố đang hoạt động rất tích cực. “Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 Ngân hàng thương mại lớn là FE CREDIT (Công ty Tài chính thuộc Ngân hàng VPBank) và HD SaiSon (thuộc HDBank), mỗi đơn vị cam kết sẽ dành gói 10 ngàn tỷ để cho vay tín dụng với lãi suất chỉ bằng một nửa mức lãi suất thị trường mà các tổ chức tài chính đang áp dụng để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho công nhân, người lao động trong các KCN, KCX, các nhà máy, xí nghiệp… Để làm được điều này, NHNN sẽ giám sát chặt để đảm bảo quá trình cho vay đúng đối tượng và đạt được hiệu quả”, ông Đào Minh Tú nói thêm.

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân diễn ra hồi cuối tháng 6 vừa rồi, Thượng tướng Lương Tam Quang -  Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: trong 3 năm qua, Bộ đã đấu tranh, phát hiện và xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4000 bị can, trong đó, hơn 1000 vụ là cho vay nặng là mà bị hại phần đông là anh chị em công nhân lao động. Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những hoạt động tín dụng đen, Bộ Công an sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin các phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, đồng thời chỉ đạo Công an 63 tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này để kịp thời phát hiện, xử lý các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để thực hiện tín dụng đen, từng bước siết chặt, triệt phá và ngăn chặn các hoạt động  liên quan đến tín dụng đen.