Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thấy chó thả rông thì báo số điện thoại nào xử lý?

(VOH) - Ngoài UBND phường là nơi tiếp nhận, phản ánh việc hộ gia đình nuôi chó gây ô nhiễm thì còn cơ quan chuyên trách nào khác giải quyết việc này nữa không?

Nạn chó thả rông không chỉ gây ô nhiễm môi trường do chó thải phân, nước tiểu mà còn tiềm ẩn nguy cơ chó cắn người đi đường. Một số địa phương đã thành lập đội bắt chó thả rông được dư luận đồng tình ủng hộ.

Bạn đọc VOH có hỏi tại TPHCM, ngoài UBND phường là nơi tiếp nhận, phản ánh việc hộ gia đình nuôi chó gây ô nhiễm thì còn cơ quan chuyên trách nào khác giải quyết việc này nữa không?

chó thả rông
Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn luật sư TPHCM

Theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì chủ thể gần nhất có thẩm quyền tiếp nhận phản ánh và giải quyết việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng các vật nuôi khác như chó, mèo gây ô nhiễm môi trường là ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài ra đây cũng là trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh.

Khoản 3 Điều 4 của luật này xác định trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, như sau:

Xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm;

Tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn; 

Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền…

Thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện là thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…,giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường…

Thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh là thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, đánh giá, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật…

Theo các quy định trên, bạn có thể phản ánh việc hộ gia đình sống lân cận nuôi chó gây ô nhiễm mùi đến UBND phường hoặc xã nơi cư trú và có thể gửi đơn đến UBND cấp huyện hoặc tỉnh để tố cáo, yêu cầu kiểm tra, thanh tra việc gây ô nhiễm môi trường, nếu vụ việc chậm được giải quyết.

Nói chung là UBND các cấp nơi xảy ra hành vi gây ô nhiễm môi trường có thẩm quyền giải quyết phản ánh hoặc tố cáo tố cáo về hành vi gây môi trường theo quy định của pháp luật.

*VOH: Trước đây TPHCM có đội chuyên đi bắt chó thả rông, xin cho biết số điện thoại của đội này để người dân gọi khi cần thiết?

LS Nguyễn Thế Hùng: Theo tôi được biết, trước đây, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên có đội chuyên bắt chó thả rông gây nguy hiểm cho người dân thuộc Chi cục Thú y thành phố.

Khoảng năm 2008 - 2009, sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân về những bất cập do việc thả chó rông ngoài đường, Chi cục thú y TPHCM đã thành lập đội săn bắt chó thả rông trên địa bàn.

Khi bị bắt, những chú chó này sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở ở số 252 Lý Chính Thắng (Quận 3) của Chi cục Thú y để chờ chủ nuôi chó đến nộp phạt và nhận lại chó. 

Sau 10 năm hoạt động, đội này đã xử lý rất nhiều trường hợp chó thả rông và xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với chủ nuôi.

Từ tháng 8/2018 đến nay, đội bắt chó thả rông này đã không còn thực hiện công việc thu gom những con chó chạy rông ngoài đường nữa. Công việc thu gom chó thả rông được giao về cho các quận, huyện.

Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi, rà soát, thống kê, cập nhật thông tin chó được tiêm phòng trên địa bàn.

Các địa phương có trách nhiệm thành lập và xây dựng cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, thực hiện việc bắt chó thả rông, xử lý các trường hợp vi phạm như không tiêm phòng vắc xin dại cho chó, nuôi chó thả rông, không xích giữ chó và không đeo rọ mõm nơi công cộng, để chó phóng uế nơi công cộng.

Theo quy định thì các địa phương sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi, quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp không có người nhận sau 48 giờ kể từ khi có thông báo.

Cuối năm 2022, tại một số địa phương như ở phường Hiệp Bình Chánh TP. Thủ Đức - TPHCM cũng tổ chức đội đi bắt chó thả rông và được dư luận đồng tình ủng hộ.

*VOH: Xin cảm ơn Ls.

Bình luận