Các bạn trẻ nêu ý kiến trong hội thảo.
Hầu hết các ý kiến tham gia từ cộng đồng người chuyển giới đều rất vui, phấn khởi khi được xã hội công nhận giới tính thật của mình, được tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện việc chuyển đổi giới tính ngay tại các cơ sở y tế tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho biết, những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật chuyển đổi giới tính gồm quy định chung, điều kiện chuyển đổi giới tính, thực thi chuyển đổi giới tính, công nhận sau chuyển đổi giới tính và thực thi chuyển đổi giới tính.
Trong đó, thực thi chuyển đổi giới tính sẽ rất quan trọng từ bao gồm hồ sơ, thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính, hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận giới tính, trách nhiệm tư vấn tâm lý và tư vấn thực hiện tiêm hóoc-môn cho người chuyển giới, nội dung tư vấn tâm lý để xác định một người chuyển đổi giới tính, nội dung tư vấn về sử dụng hóoc - môn..
Ca sỹ chuyển giới Lâm Khánh Chi chia sẻ tại hội thảo.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - giải thích: ”Khi Quốc hội thông qua Luật dân sự sửa đổi trong đó có điều 37 cho phép chuyển đổi giới tính, có thể nói điều này đã thể hiện tính nhân văn của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng quyền con người đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong đó có quyền được sống thật với giới tính của mình nhưng Luật dân sự không thể giải quyết hết các vấn đề từ điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới như thế nào…Đây là cả vấn đề lớn, là đối tượng điều chỉnh Luật riêng".
“Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhân văn của pháp luật Việt Nam liên quan đến người chuyển giới cần thiết phải xây dựng Luật chuyển đổi giới tính để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp giữa con người” – ông Tuấn cho biết thêm.