Triệt phá đường dây ghi đề núp bóng bán vé số
Sáng ngày 4/10, lực lượng Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang lấy lời khai 19 đối tượng liên quan đến hoạt động ghi lô đề để làm rõ về các hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 3/10, Công an phường Tự An phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp CATP Buôn Ma Thuột đã ập vào 7 địa điểm bán vé số nằm trên đường Nguyễn Công Trứ và đường Lê Duẩn đang ghi lô đề cho 12 con bạc – Báo NLĐ thông tin.
Tại các địa điểm trên, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều phơi đề và hơn 120 triệu đồng liên quan đến việc ghi lô đề.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra - Ảnh: NLĐ
Ngay sau đó, 19 người có liên quan đã được đưa về Công an phường Tự An để đấu tranh lấy lời khai.
Được biết, 7 tụ điểm ghi lô đề núp bóng dưới hình thức bán vé số này đã hoạt động thời gian dài.
Hằng ngày các đối tượng bày vé số ra bán, nhưng khi các con bạc có nhu cầu ghi lô đề thì các đối tượng sẽ ghi cho khách. Sau đó, các đối tượng này sẽ căn cứ vào kết quả xổ số của các đài rồi tính toán thắng thua với các con bạc.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Kế toán trường chiếm đoạt 766 triệu đồng của học sinh nghèo
Ngày 4/10, UBND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết đã nhận được kết quả điều tra của công an huyện làm rõ việc bà Phạm Thị Hiền, kế toán Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ngọc Réo) đã chiếm đoạt số tiền chế độ chính sách của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ngọc Réo - Báo TTO thông tin.
Theo kết quả điều tra của Công an huyện Đăk Hà, năm học 2018-2019, Trường tiểu học Lê Hồng Phong có 170 em học sinh được hỗ trợ chi phí học tập của Chính phủ. Tổng số tiền được hỗ trợ là 766,1 triệu đồng.
Sau khi được giao quản lý số tiền này, bà Phạm Thị Hiền - kế toán nhà trường đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích riêng. Bà Hiền trích ra số tiền 750 triệu đồng đem đi cho vay. Số tiền còn lại là 16,1 triệu đồng, bà Hiền đem sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trường tiểu học Lê Hồng Phong - Ảnh: TTO
Ngay sau sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Đảng ủy xã Ngọc Réo, lãnh đạo Phòng GD&ĐT và UBND huyện Đắk Hà để có hướng xử lý, hiện bà Hiền đã khắc phục được 267 triệu đồng.
Trước việc bà Hiền chưa thể khắc phục thêm, UBND huyện Đăk Hà đã đồng ý cấp tạm ứng số tiền 499,1 triệu đồng từ ngân sách huyện năm 2019 để chi trả chế độ chính sách cho học sinh.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện Đắk Hà cho biết: Đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng này. Về số tiền tạm ứng cho nhà trường nếu kế toán không thể khắc phục được thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện”.
Ông Phạm Văn Lập, chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đăk Hà, cho biết hội đồng kỷ luật UBND huyện Đăk Hà đã họp xem xét hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng, thủ quỹ và kế toán Trường tiểu học Lê Hồng Phong.
"Riêng trường hợp bà Phạm Thị Hiền - kế toán trường - có dấu hiệu tội phạm, nên UBND huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà để điều tra làm rõ", ông Lập cho biết.