Chờ...

Triệt phá Đường dây sản xuất tiền giả và sổ đỏ giả quy mô lớn

VOH - Nguyễn Văn Đại và Hồng Tuấn Thành đã thuê địa điểm tại Hà Nội, lập ra các cơ sở sản xuất giấy tờ giả để hoạt động.

Ngày 30/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả, cùng các tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các bị can này bị cáo buộc phạm vào 7 tội danh, bao gồm “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

giay to gia_voh
Ba đối tượng cầm đầu vụ án: Lê Bá Toàn, Nguyễn Văn Đại và Hồng Tuấn Thành. - Ảnh: CAND

Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định từ cuối tháng 6/2024, Nguyễn Văn Đại (SN 1994) và Hồng Tuấn Thành (SN 2003), cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, là hai đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây. Đại và Thành đã thuê địa điểm tại Hà Nội, lập ra các cơ sở sản xuất giấy tờ giả để hoạt động.

Nhằm che giấu hành vi phạm pháp, các đối tượng đã sử dụng chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng và tạo các tài khoản mạng xã hội ảo. Sau đó, Đại và Thành thuê thêm Đỗ Văn Hải (SN 1998), Trần Quang Liêm (SN 2003), và Trịnh Quang Trường (SN 2000), cùng trú tại huyện Ý Yên, làm trung gian mua bán giấy tờ giả thông qua mạng xã hội. Các đối tượng này quảng cáo, tìm kiếm khách hàng, sau đó chuyển thông tin về cho Đại và Thành để sản xuất giấy tờ giả, rồi giao lại cho khách hàng để hưởng chênh lệch.

Trong số các khách hàng mua giấy tờ giả, có Nguyễn Văn Huân (SN 1983, ở Hải Phòng) và Nguyễn Thị Hải Ninh (SN 1991, ở Quảng Ninh) đã đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Khoảng cuối tháng 7/2023, Lê Bá Toàn (SN 1993, trú tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu khởi xướng kế hoạch sản xuất tiền giả. Toàn đã liên hệ với Nguyễn Văn Đại, Hồng Tuấn Thành và Vũ Tiến Đạt (SN 2000) ở Nam Định, để sản xuất tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Nhóm này đã đặt máy móc và thiết bị chuyên dụng tại một địa chỉ thuê ở Hà Nội để thực hiện việc in ấn.

Toàn cũng thuê Hoàng Trung Hòa (SN 1997) và Vì Văn Ninh (SN 2003) ở Bắc Ninh để giao tiền giả cho Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Mạnh Hùng (ở Quảng Ninh), và Nguyễn Tùng Bách (ở Hà Nội), cùng một số khách hàng khác tại nhiều tỉnh, thành phố. Tổng cộng, nhóm này đã sản xuất 126 triệu đồng tiền giả và đã tiêu thụ hơn 80 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng.

Qua đấu tranh với các đối tượng, cơ quan chức năng nhận định rằng tiền giả hiện nay được sản xuất với công nghệ khá tinh vi, rất giống với tiền thật, gây khó khăn cho người dân trong việc nhận diện. Các đối tượng thường lợi dụng lúc trời chập choạng hoặc những nơi đông đúc như chợ, cửa hàng tạp hóa để tiêu thụ tiền giả. Thủ đoạn của chúng là mua những mặt hàng giá trị thấp và nhận lại tiền thật.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tạo thói quen kiểm tra kỹ tiền khi nhận và ưu tiên sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế rủi ro.

Đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, không mua, bán hay sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả vì đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.