Từ ngày mai 5/12: Tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm về thuế

(VOH) - Từ ngày mai 5/12/2020, những vi phạm hành chính về thuế sẽ tăng mức xử phạt. Đáng chú ý, người trốn thuế có thể bị phạt 3 lần số tiền thuế trốn ngay lần đầu.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày mai 5/12/2020. Nghị định này có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có việc nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về thuế.

thuế, trốn thuế, nộp thuế
Những vi phạm hành chính về thuế sẽ tăng mức xử phạt từ ngày mai

Các nhóm đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

- Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Lưu ý: Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

- Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Riêng đối với người nộp thuế là tổ chức, các loại hình tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn.

+ Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập.

+ Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

+ Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

+ Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

+ Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm

Điều 10, hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn:

+ Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, trong đó quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng” đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên. (Hiện hành: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

+ Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Điều 11, hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế:

+ Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng. (Hiện hành: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

+ Chia hành vi nộp thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn thành 2 hành vi nhỏ với chế tài xử phạt khác nhau: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế; Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ.

+ Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả vào khoản 7 Điều 11; Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 11.

Điều 26, hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn sẽ bị xử phạt theo các mức độ sau đây:

- Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.

- Phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

- Phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

- Phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã khai, đã lập, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ. Trừ trường hợp với hình phạt cảnh cáo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Theo đó, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định, hành vi trốn thuế có thể bị phạt 03 lần số tiền thuế trốn nếu người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi sau đây có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này.

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này.

- Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

- Sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.

- Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm. Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

- Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Về thời hạn được coi là chưa bị xử phạt: Căn cứ khoản 5 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

Ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo là ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao, gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Thời hạn truy thu thuế

Về thời hạn truy thu thuế: Khi quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Thời hạn truy thu thuế nêu trên chỉ áp dụng đối với các khoản thuế theo pháp luật về thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Quy định về đối tượng và các trường hợp được miễn tiền phạt

Theo Nghị định số 125, tổ chức/cá nhân vi phạm sẽ được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng do: gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước.