Vụ án tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Mức án phù hợp đủ sức răn đe, phòng ngừa chung

VOH - Qua bản án tòa sơ thẩm TPHCM vừa tuyên về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Đoàn luật sư TPHCM đã có cuộc trả lời phỏng vấn VOH.

VOH - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các mức án của các bị cáo trong các nhóm tội được tuyên trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà Tòa sơ thẩm TPHCM vừa tuyên?

Vu an Truong My Lan
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

Ls Nguyễn Thế Hùng: Theo tôi các bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan” đã nhận mức án phạt có thể nói là đúng người, đúng tội.

Và đối chiếu với một số quy định về mức xử phạt có liên quan tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì phán quyết trong bản án sơ thẩm cách đây vài hôm của Tòa án nhân dân thành phố là hoàn toàn phù hợp, đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

VOH: Riêng về mức án duy nhất trong vụ án này, tòa tuyên tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, ông có đánh giá như thế nào về mức độ của bản án này? nặng hay nhẹ, có tâm phục khẩu phục hay không?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Như tôi đã chia sẻ, khi tòa án ra hình phạt đối lại được với hành vi phạm tội, theo quy định của pháp luật, thì đó là sự phù hợp.

VOH: Có thể coi đây là mức án cao nhất từ trước đến nay cho một bị cáo là nữ phạm tội về kinh tế, theo ông thì các tội phạm kinh tế có cần thiết áp dụng đến mức án này không?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Hành vi cấu thành tội tham ô tài sản của bị cáo chính là căn cứ cho mức hình phạt cao nhất.

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 thì “người nào nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Và “Tùy thuộc số tiền nhận hối lộ cùng các tình tiết định khung, người phạm tội có thể đối diện các khung hình phạt khác nhau. Trong trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Hành vi cấu thành tội tham ô tài sản của bị cáo và đồng phạm kéo dài trong 10 năm (2012-2022), trong đó có giai đoạn vi phạm chịu sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Quy định được thay đổi, bổ sung đáng chú ý là đã “mở rộng phạm vi về chủ thể” của tội phạm. Cụ thể, Điều 353 của bộ luật này quy định về tội “Tham ô tài sản” đã bổ sung quy định tại Khoản 6 là “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Điều đó có nghĩa là chủ thể của tội tham ô tài sản được mở rộng hơn, tức bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp chứ không chỉ đối với các cơ quan Nhà nước.

Như vậy phán quyết của Tòa hoàn toàn phù hợp với quy dịnh của pháp luật hình sự đang có hiệu lực điều chỉnh chung. Mức án cao nhất bị cáo phải nhận ở đây là về tội “Tham ô tài sản”.

VOH: Đối với tội đưa và nhận hối lộ theo luật thì mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như chưa có bị cáo nào phạm tội này mà bị tuyên mức án này, như vậy có làm gương để răn đe loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng gần đây.

Ls Nguyễn Thế Hùng: Nguyên tắc chung của Bộ luật hình sự hiện hành là chế tài nghiêm để có thể răn đe, phòng ngừa việc phát sinh tội phạm, theo đó trong trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên Bộ luật hình sự cũng đưa ra một số “nguyên tắc về tính nhân đạo” để có thể giúp người phạm tội có cơ hội tự cải tạo, hòa nhập trở lại cùng cộng đồng.

Theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì pháp luật sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Bị cáo nhận hối lộ trong vụ án này đã không bị tuyên án tử do quy định nêu trên. Nguyên tắc này có thể cũng đã được áp dụng cho các tình huống khác mà câu hỏi đề cập.

VOH: Các hành vi đưa và nhận tiền bạc, vật chất là loại hành vi rất khó cho cơ quan điều tra khi tìm các chứng cứ để buộc tội khi cả bên đưa và nhận đều chối. Tuy nhiên, gần đây có những vụ án về loại hành vi này đã làm rõ và bị cáo không thể chối hành vi đưa, nhận được. Ông đánh giá như thế nào về bước tiến trong công tác điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Vấn đề đặt ra, theo thiển ý của tôi, có thể do sự tác động của một chế định mới về điều tra hình sự trong vài năm gần đây.

Điều tra tội phạm nói chung và điều tra tội phạm trong lĩnh vực đưa và nhận hối lộ nói riêng không phải là một việc dễ dàng, do khá nhiều nguyên nhân.

Chẳng hạn việc cơ quan có thẩm quyền điều tra thiếu thông tin, việc phát hiên dấu hiệu của tội phạm không được kịp thời, cả yêu tố chủ quan là năng lực của cơ quan điều tra…

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực hồi đầu năm 2018 có thể là điều kiện quan trọng tạo ra tác động, dẫn tới sự thay đổi tích cực trong hoạt động thời gian gần đây của cơ quan điều tra.

Theo quy định của luật này thì các cơ quan điều tra (Cơ quan điều tra của Bộ công an, Cơ quan điều tra của Quân đội và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát) thực hiện trách nhiệm của mình theo nguyên tắc “cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của cơ quan điều tra cấp trên và các cá nhân (điều tra viên các cấp) chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của chính mình”.

Luật này cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an theo đó họ có trách nhiệm “hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đối với các cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, công an cấp huyện; hướng dẫn các cơ quan của lực lượng cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và thực hiện hoạt động điều tra”.

Chế định mới có thể đã tiếp sức, tạo thêm điều kiện và đồng thời cũng giúp nâng cao năng lực trong việc điều tra tội phạm nói chung và điều tra tội phạm trong lĩnh vực đưa và nhận hối lội nói riêng của cơ quan điều tra các cấp trong thời gian gần đây.

VOH: Đến nay, có vụ án mà việc đưa tiền, của, vật chất cho quan chức thì doanh nghiệp đã ghi âm, ghi hình lại. Theo ông thì hành vi ghi âm, ghi hình lại như vậy có vi phạm điều gì trong luật? ông đánh giá hành vi này như thế nào về mặt luật pháp và mặt mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Tình huống đặt ra trong câu hỏi, theo tôi, có thể hoặc không tùy mục đích của việc ghi âm, ghi hình.

Việc ghi âm, ghi hành, theo nguyên tắc “công dân được làm những gì luật không cấm” và có mục đích không trái với pháp luật và đạo đức xã hội, là một việc có thể. Chẳng hạn ghi âm, ghi hình nhằm mục đích tìm chứng cứ để tố cáo hành vi nhận hối lộ sau khi nhận biết có dấu hiệu bị ép buộc.

Tuy nhiên cũng có điều bất cập cho tình huống trên. Thứ nhất, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép về quyền ghi âm, ghi hình của cá nhân. Thứ hai, quan trọng hơn, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Việc một người “lén” ghi âm, ghi hình người khác có thể vi phạm quy định này.

Có một điều tích cực là mới đây, Nghị quyết 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 09/11/2022 đã ra đời. Nghị quyết này nhấn mạnh khi yêu cầu hệ thống chính trị “thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Việc cá nhân công dân được quyền ghi âm, ghi hình với những mục đích khác nhau nhưng không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội sẽ hoàn toàn phù hợp khi yêu cầu của cuộc sống, cũng là yêu cầu vừa nêu trong Nghị quyết 27 được “thể chế hóa”.

VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận