Vụ bạo hành trẻ 4 tuổi: Có thể khởi tố hành vi cố ý gây thương tích

(VOH) - Sẽ tước quyền nuôi con, quyền chăm sóc và bảo vệ trẻ nếu cha, mẹ có hành vi xâm hại đến trẻ vị thành niên.

(VOH) - Vụ việc bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) ngụ Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị mẹ ruột và cha dượng hành hạ khiến dư luận xót xa và phẫn nộ. Điều đáng quan tâm hiện nay bên cạnh sự hồi phục sức khỏe của bé, là những kẻ gây ra vụ việc sẽ bị xử phạt như thế nào? Đằng sau đó là câu hỏi nhức nhối hơn, làm sao để bao nhiêu trẻ em khác không gặp phải cảnh “hổ dữ ăn thịt con”.

Phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban Tuyên truyền kiêm Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.

* Xin cảm ơn luật sư đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Vụ việc bé gái 4 tuổi bị bạo hành đang gây xôn xao dư luận. Với những thông tin thu thập hiện nay, xin luật sư cho biết có thể khởi tố mẹ ruột và cha dượng cháu bé về tội gì và hình phạt như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hành vi vừa qua về trường hợp mẹ ruột và cha dượng bạo hành bé gái 4 tuổi có thể nói là hành vi thách thức pháp luật. Các hành vi này đã đủ cơ sở để xử lý hình sự. Hiện các cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra để khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích với người khác. Đối với trẻ em, những hành vi này là hình thức tăng nặng. Theo điều 104 Bộ luật Hình sự, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Còn phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Ở điều này cũng quy định một số trường hợp cố ý gây thương tích cụ thể mà dù tỷ lệ thương tật thấp hơn mức quy định cũng bị phạt nặng.

*Dư luận không khỏi đau xót cho hoàn cảnh hiện nay của cháu bé. Nhiều người cho là không nên cho mẹ ruột và cha dượng cháu bé sau này tiếp tục sống chung với cháu nữa. Vậy pháp luật Việt Nam chúng ta có quy định việc truất quyền nuôi dưỡng con của cha mẹ trong trường hợp này không thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong luật Hôn nhân và Gia đình và Bộ luật Hình sự có quy định một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm trẻ em vị thành niên thì nếu là chồng, là vợ thì sẽ tước quyền này – tức là quyền nuôi con, quyền chăm sóc và bảo vệ trẻ. Tất cả là vì quyền lợi của trẻ em nên có quy định này.

Bé Đỗ Thị Kim Ngân (sinh năm 2010) đang điều trị tại bệnh viện - Ảnh: PNO.

*Chúng ta có khá nhiều luật liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Vậy thì liệu có khoảng trống nào trong pháp luật về bạo hành trẻ em hiện nay không? Theo luật sư, làm sao để can thiệp về mặt pháp luật hiệu quả hơn để hạn chế những vụ việc đau lòng này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi thấy rằng việc bạo hành trẻ em ở nước ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực sự các quy định pháp luật của nước ta đã có những chế tài rõ ràng. Chúng ta có Luật Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Luật Phòng chống bạo hành trong gia đình. Chúng ta còn có cả một Bộ luật Hình sự và thường xuyên sửa đổi bổ sung vào năm 1999 và 2009. Tới đây chúng ta cũng sẽ tiếp tục sửa đổi luật này cũng như luật Bảo vệ - Chăm sóc Trẻ em. Hiện nay chúng ta đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ trẻ em. Với việc Hiến pháp 2013 vừa thông qua thì tiếp theo chúng ta sẽ sửa khoảng 100 luật, pháp luật (trong đó có Bộ luật Hình sự). Tôi kiến nghị Quốc hội nên xem xét sửa đổi, bổ sung các tội danh về bạo hành trẻ em. Hơn nữa, Luật Bảo vệ - Chăm sóc Trẻ em hiện còn nhiều bất cập nên tôi cũng kiến nghị là phải sửa theo hướng đưa ra những chế tài thật nghiêm khắc về các hành vi này.

*Xin cảm ơn ông!

Bình luận