Vụ chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài: Chủ mưu thừa nhận cáo buộc

(VOH) – Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt (trú quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt mức án 7 năm 6 tháng đến 8 năm 6 tháng tù vì tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

12 bị cáo khác bị đề nghị tuyên phạt mức án 30- 36 tháng tù treo đến 5-6 năm tù giam vì cùng tội danh. 

Trong số 13 bị cáo, bị cáo Phạm Hồng Hạo (SN 1967) đã chết nên TAND TP Hà Nội quyết định đình chỉ xét xử đối với người này.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyệt thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Nguyệt khai, tất cả quy trình vận chuyển tiền ra nước ngoài đều do bị cáo tự nghĩ ra, không có ai hỗ trợ hoặc bày cách.

Về quy trình chuyển tiền, người thuê sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Nguyệt và những người khác. Sau đó bị cáo dùng tiền này ra ngân hàng mua ngoại tệ và "nhờ" nhân viên các ngân hàng chuyển tiền vào các số tài khoản ở nước ngoài do Nguyệt chỉ định.

Vụ chuyển hơn 30.400 tỷ đồng ra nước ngoài: Chủ mưu thừa nhận cáo buộc 1
Nguyễn Thị Nguyệt tại phiên tòa xét xử. 

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2020, Nguyễn Thị Nguyệt giữ vai trò chủ mưu, cùng chồng là Phạm Anh Tuấn và 11 bị can đã cấu kết hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất, nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Từ năm 2016, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị cáo Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, trú Móng Cái, Quảng Ninh) để hợp thức việc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài thông qua pháp nhân 2 công ty. 

Năm 2017, biết các thủ đoạn, cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt cùng chồng mượn chứng minh nhân dân của người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty để chuyển tiền ra nước ngoài.

Các công ty này được sử dụng làm "bình phong" nhằm ký hợp đồng kinh tế khống, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh từ Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để lấy tờ khai hải quan.

Để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế, Nguyệt cùng chồng liên hệ với các nhân viên của ba chi nhánh ngân hàng tại Móng Cái. Nhân viên những ngân hàng này hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ để giao dịch chuyển tiền.

Cơ quan tố tụng cho rằng, từ năm 2016 đến 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.  

Qua các vụ việc Nguyệt thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.