Chờ...

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan đề nghị không kê biên thêm tòa nhà 19 Nguyễn Huệ

VOH - Bà Lan nói đây là nhà mẹ ruột bà mua cho các con, nay mẹ đã mất nên muốn giữ lại cho các con mình.

Chiều 20/3, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan, sau khi các luật sư trình bày quan điểm bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục tự bào chữa bổ sung cho mình.

Trương Mỹ Lan nhắc lại nhận định của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM về việc trong quá trình xét xử bị cáo quanh co chối tội, đổ tội cho nhân viên cấp dưới. Trương Mỹ Lan cho biết rất “đau xót” trước nhận định này và khẳng định mình không quanh co chối tội.

Bị cáo Lan khai cảm thấy có trách nhiệm khi tham gia tái cơ cấu SCB làm các nhân viên SCB vô tình phạm tội; tình nguyện nhận một phần trách nhiệm, chịu tội cùng nhân viên SCB.

Trương Mỹ Lan nói nhiều lần xin tại ngoại để làm việc với nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài, tỷ phú nước ngoài để tái cấu trúc SCB và khắc phục hậu quả nhưng không được xem xét.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan đề nghị không kê biên thêm tòa nhà 19 Nguyễn Huệ 1
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 20/3 - Ảnh: TTXVN

Thông qua luật sư, bà Lan nhắn con gái liên hệ với các tập đoàn tài chính thế giới và nhận được lời hứa sẽ đến Việt Nam, nhưng với điều kiện phải gặp trực tiếp bà Lan để bị cáo bảo lãnh, đồng thời gặp cả lãnh đạo Ngân hàng SCB cũ và mới.

Chủ tọa phiên tòa nói rằng, nếu thật sự có nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài, tỷ phú nước ngoài chấp nhận hỗ trợ khắc phục hậu quả giúp, Hội đồng xét xử sẽ tạo điều kiện tối đa để bị cáo được gặp ngay tại giai đoạn xét xử này. Tuy nhiên, bị cáo phải khai rõ là nhà đầu tư nước ngoài nào để thông qua luật sư làm đơn gửi Hội đồng xét xử xem xét chứ không thể nói chung chung.

Nội dung tiếp theo, bị cáo Lan nói Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB vào năm 2023 lúc mình đã bị bắt. Thời điểm đó giá trị định giá rất thấp, nhưng lại áp giá trị đó cho thời điểm tháng 9/2022, như vậy là không hợp lý. Vì vậy, Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét thật kỹ về số liệu, số tiền mà mình bị cáo buộc chiếm đoạt để xác định giá trị thật tài sản đảm bảo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng mình và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bao giờ liên quan đến Ngân hàng SCB. Việc cáo trạng xác định SCB là công cụ tài chính của bị cáo là không đúng. Các bị cáo Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Nguyễn Phương Anh là người làm việc cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chứ không phải làm việc cho SCB.

Bị cáo Lan mong muốn chuyển số tiền khắc phục của bị cáo Nguyễn Cao Trí và tài sản của mẹ mình sang cho Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor (cháu gái bị cáo) để khắc phục hậu quả.

Bị cáo trình bày bổ sung về tòa nhà tại địa chỉ 19 Nguyễn Huệ (Quận 1, TPHCM). Theo bị cáo, toà nhà này được mẹ ruột của bị cáo mua cho các con. Nay mẹ ruột đã mất nên bị cáo muốn giữ căn nhà này cho các con của mình. Vì vậy, ngoài việc đề nghị giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ tại địa chỉ 112 Võ Văn Tần (Quận 3, TPHCM) vì đây là di tích lịch sử cần được bảo tồn, Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết tòa nhà 19 Nguyễn Huệ được cho Ngân hàng SCB thuê hơn 1 năm nay nhưng phía SCB không trả tiền, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thu hồi tiền thuê để dùng khắc phục hậu quả trong vụ án.