Xét xử vụ siêu lừa đảo chiếm đoạt 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng

(VOH) – Sáng 9/3, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử "kỳ án" lừa 26 vụ, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng từ ba ngân hàng.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, trú tại Hà Nội) và 25 đồng phạm, trong đó có 17 cán bộ ngân hàng, bị đưa ra xét xử với 3 nhóm tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ba ngân hàng bị lừa tiền: Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng, dẫn được nhiều người đến gửi tiền với số lượng lớn nên được các ngân hàng này xem là "khách hàng VIP".

Từ tháng 6 đến tháng 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản vay nên đã cùng đồng phạm cấu kết với một số cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của ba ngân hàng trên.

Xét xử vụ siêu lừa đảo chiếm đoạt 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng 1
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa xét xử. 

Trong vụ án này, số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại Ngân hàng VAB với 21 vụ.

"Siêu lừa" Hà Thành câu kết với Quản Trọng Đức (cựu giám đốc chi nhánh), Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) và một số cán bộ yêu cầu ngân hàng phát hành các hợp đồng tiền gửi trái quy định.

VKS xác định bị can Quản Trọng Đức đã giúp cho Hà Thành và đồng phạm thực hiện 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng.

Nguyễn Mai Phương bị cáo buộc giúp sức cho Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên thuộc VAB) thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ.

Hàng loạt cựu nhân viên của các ngân hàng NCB, VAB và PVcomBank bị VKS xác định có sai phạm liên quan hoặc tiếp tay trong vụ “siêu lừa” này.

Ông Đặng Nghĩa Toàn là người có số tiền gửi tại ba ngân hàng bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt nhiều nhất, lên đến hơn 120 tỷ đồng.

Kết quả giám định cho thấy chữ ký trên hồ sơ vay, tất toán của các ngân hàng trên để "siêu lừa" Hà Thành thế chấp các sổ tiết kiệm của ông Toàn vay tiền là giả mạo. Chữ ký này không phải của vợ chồng ông Toàn.

VKS kết luận không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho Hà Thành dùng sổ tiết kiệm lừa đảo chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng.

Bình luận