Tiêu điểm: Nhân Humanity

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí

VOH - Queen Charlotte: A Bridgeton Story chính là một câu chuyện tình cảm với một chút yếu tố lịch sử, vài phần hài hước xen lẫn với thông điệp về giá trị đạo đức của con người.

Queen Charlotte: A Bridgeton Story (Nữ hoàng Charlotte: Câu chuyện Bridgeton) là thước phim kể về câu chuyện tình yêu khi còn trẻ của Nữ hoàng cùng tên (India Amarteifio) và Vua George III (Corey Mylchreest). Nếu trong Bridgeton, chúng ta chứng kiến một mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai con người đứng đầu nước Anh thì trong phần phim tiền truyện này, khán giả sẽ có cái nhìn rõ hơn về chuyện tình của cặp đôi thuở thiếu thời.

Tuy nhiên, cái hay của bộ phim không chỉ là yếu tố tình cảm, lãng mạn. Lồng ghép khéo léo vào câu chuyện, biên kịch Shonda Rhimes đã mang đến những giá trị đạo đức điển hình về tình mẫu tử, tình bạn và gợi lên những băn khoăn, suy nghĩ về niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự thông qua việc khắc họa mặt tối của cuộc sống con người.

*Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Một tình yêu đẹp là khi có sự thấu hiểu và đồng cảm

Vua George III là người đứng đầu nước Anh, có trách nhiệm và sứ mệnh cao cả - đồng thời cũng hình thành áp lực vô cùng nặng nề khi mà bất cứ quyết định nào, bất kỳ chuyển biến bất thường nào về sức khỏe của anh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh quốc gia.

Nữ hoàng Charlotte xuất thân là dòng dõi cao quý của nước Đức. Cha mẹ mất sớm, cô được anh trai chiều chuộng và nuôi nấng từ khi còn bé. Một cá tính mạnh mẽ, một tâm hồn yêu thích sự tự do như cô không thể chấp nhận sự thật rằng cô bị chính anh trai mình “bán đi” để đổi lại chiếc ghế vững chắc của dòng tộc.

Ở độ tuổi 17, cô bị vướng vào một cuộc hôn nhân gấp gáp chỉ có khoảng 6 tiếng để chuẩn bị kể từ khi nhận được tin. Cô cũng không thể chấp nhận được rằng bản thân phải lấy một người xa lạ mà bản thân chưa từng gặp mặt.

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 1
Vua George III (Corey Mylchreest) và Nữ hoàng Charlotte (India Amarteifio)

Charlotte hầu như không thể chịu được việc mọi người hầu xung quanh che giấu và từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến người chồng tương lai của cô. Từ đó dẫn đến quyết định cao trào của Charlotte: bỏ trốn.

Một Charlotte cá tính, độc lập quyết định trèo tường để thoát khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt này. Nhưng quá trình này bị gián đoạn vì sự xuất hiện của “anh nông dân George”. Sự tử tế, lịch thiệp, thông minh của vị Vua nước Anh như một lời hồi đáp cho những thắc mắc của Charlotte, đồng thời cũng làm cô xiêu lòng và đồng ý bước vào lễ đường. 

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 2
Cặp đôi gặp nhau đang khi Charlotte quyết tâm vượt tường để chạy khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt

Những tưởng cuộc sống hôn nhân của cặp đôi quyền lực sẽ được nhuộm màu hồng thì biến cố xảy ra cuốn theo những lầm tưởng đó. Vua George III mắc bệnh tâm lý, anh không thể điều khiển tâm trí bản thân và mất khả năng nhận thức theo từng đợt mà anh không thể kiểm soát được.

Dẫu ngưỡng mộ và say mê với tri thức, vẻ đẹp của Charlotte nhưng George III quyết định đẩy nàng ra xa ngay từ đêm tân hôn để bảo vệ nàng. Sự tử tế này lại vô tình bị Charlotte hiểu sai. Cả hai từ đó dựng nên một bức tường vô tình trong chính mối quan hệ “đáng mơ ước” của mình. 

Một bên truy đuổi (Charlotte), một bên chạy trốn (George), mối quan hệ của cả hai dần chuyển biến theo chiều hướng xấu và có phần máy móc khi thực hiện nhiệm vụ vợ chồng mà không hề đặt tình cảm vào đó. Vua George III và Nữ hoàng Charlotte đã xây dựng một cuộc sống hôn nhân bằng sự ham muốn, oán giận, tổn thương.

Chuyện tình của họ thậm chí bị can thiệp bằng hàng loạt toan tính của các tuyến nhân vật phụ, hoặc ủng hộ hoặc chống lại cặp đôi, bao gồm người bạn thân nhất của Charlotte - Quý bà Danbury, người mẹ đầy toan tính của George - Thái phi Augusta của xứ Wales và cặp quản gia hết mực trung thành - Brimsley và Reynolds.

Xem thêm: Lượt xem The Crown tăng nhanh chóng mặt, điều gì làm nên sức hút của siêu phẩm về hoàng gia Anh này?

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 3
Sam Clemmett (phải) trong vai Brimsley - người hầu thân cận của Charlotte và Freddie Dennis (trái) trong vai Reynolds - người hầu thân cận của Vua

Những điều này xảy ra cốt yếu là vì ba chữ: không thấu hiểu. Cả hai không chia sẻ cho nhau những khúc mắc của mình, từ đó dẫn đến việc đối phương không thể hiểu tình cảnh mà bạn đời của mình đang rơi vào. Vòng lặp này diễn ra và kéo mối quan hệ của cả hai vào vực sâu tăm tối.

Bộ phim không mang đến cho người xem một kết thúc có hậu giữa hai con người quyền lực, ít nhất là theo cách mà người xem muốn sau cú plot twist ở gần cuối phim. Nhưng chuyển cảnh đến nhiều năm sau, khi Charlotte và George già cỗi, bất chấp những gì mà cả hai đã trải qua, cặp đôi vẫn coi nhau như những tâm hồn thuần khiết và đẹp đẽ như mới gặp lần đầu. Hình ảnh nữ hoàng giúp thần trí của George III quay về với thực tại bằng cách nằm xuống gầm giường thể hiện rõ điều này hơn bao giờ hết.

Mỗi người đều có một nỗi khổ riêng

Một người với vẻ ngoài sáng láng, tươi tỉnh, rạng ngời không có nghĩa là họ đang có một cuộc sống viên mãn. Một người giàu có, gia cảnh khá giả không có nghĩa là họ đang sống một cuộc đời trong mơ. Việc cưới một bạn đời giàu có, quyền lực không có nghĩa là cuộc hôn nhân đó sẽ hạnh phúc. Tất cả nhân vật trong Nữ hoàng Charlotte: Câu chuyện Bridgeton đều mang trong mình ít nhất một thứ, được xem là xấu xa, để che giấu.

Vua George III là người đứng đầu một nước, người cai trị nhiều thuộc địa, nhưng ít ai biết rằng trọng trách to lớn ấy là thứ anh không hề mong muốn. Áp lực quá lớn cộng với việc phải từ bỏ đam mê của bản thân để làm tròn nhiệm vụ làm thần trí George III bắt đầu có những tổn thương khó chữa, hình thành bệnh rối loạn thần kinh.

Dù là ở hiện tại hay hàng trăm năm trước, việc một vi Vua với căn bệnh được xem là “tâm thần” như thế này là một mối nguy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của đất nước. George III không chấp nhận căn bệnh của mình, các bác sĩ Hoàng gia cũng không thể chấp nhận được căn bệnh này. Vì thể, chứng rối loạn thần kinh ngày càng trở nên tệ hơn khi không được chữa trị, hoặc nói chính xác hơn là không được chữa trị đúng cách.

Nếu mỗi khi Charlotte đau khổ hay cô độc đều có Quý bà Danbury sẵn sàng san sẻ và giúp giải quyết các khúc mắc, thì George III phải cô độc tự thân giải quyết vấn đề của mình. Đó là tình cảnh mà một vị vua phải trải qua vì danh dự của bản thân và vì an nguy của đất nước.

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 4
George III quyết đẩy Charlotte ra xa mình nhằm bảo vệ cô

Nữ hoàng Charlotte được xem là có diễm phúc khi được gả cho Vua George III. Đó là cuộc hôn nhân trong mơ mà người người mơ ước. Song, sự đẹp đẽ đó chỉ là vẻ bề ngoài. Một cô gái đến một đất nước xa lạ, trong một môi trường hoàn toàn mới, với những con người mới và phép tắc mới, Charlotte không hề có thời gian để dung nạp những thay đổi đột ngột đó.

Tồi tệ hơn, người chồng đáng lẽ sẽ giúp cô làm quen với bao điều xa lạ đó lại trốn tránh cô và không làm tròn nhiệm vụ của mình. Đứng trước cuộc hôn nhân “tuyệt vời” này, Charlotte không biết làm gì hơn ngoài nở một nụ cười cam chịu trước số phận bi thương của mình. 

Cô không thể vùng dậy một cách lộ liễu vì đằng sau là cả một hệ thống đang truy xét cuộc hôn nhân của cô. Hệ thống ấy có thể đưa ra những quyết định bất lợi cho chính cô và những người vô tội bị kéo theo trong một cuộc “thử nghiệm” quy mô lớn.

Xem thêm: Phim về Hoàng gia Anh giành 4 giải tại Quả Cầu Vàng lần thứ 78

Nỗi khổ đầu tiên của Quý bà Danbury đến từ cuộc hôn nhân của mình. Cô vinh dự cưới được một người chồng giàu có nhưng vị thế của ông ta bị lu mờ bởi chế độ hiện tại. Quý bà Danbury vô cảm trước đời sống hôn nhân của mình dù đã sinh nhiều con cho chồng. Sự chán chường với hôn nhân được thể hiện rõ nhất khi cô luôn trông mong cái chết của chồng. Thế rồi khi điều đó đến, cô vô cùng bình tĩnh và lãnh cảm để giải quyết hậu sự. 

Nỗi khổ thứ hai của Quý bà Danbury chính là cuộc sống của cô cùng với các con sau khi chồng mất. Điền trang, của cải vật chất mới đều được Hoàng gia trao tặng cho chồng cô. Khi ông mất, những thứ mà cô đã vất vả kiếm được lại có nguy cơ bị thu hồi bởi việc trao tặng chỉ là một phần của cuộc “ thử nghiệm”. 

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 5
Đằng sau một "chuyên gia tư vấn" , Quý bà Danbury là người với nhiều nỗi khổ riêng

Thái phi xứ Wales (mẹ Vua George III) dù có địa vị cao, ai ai cũng phải ngước nhìn nhưng bà luôn chịu những áp lực không ai có thể hiểu được. Thái phi xứ Wales phải luôn đối chất để đảm bảo với Hội đồng Hoàng gia rằng con trai mình hoàn toàn bình thường, có một cuộc hôn nhân viên mãn nhằm bảo toàn vị trí độc tôn. Chính bà cũng đang chịu đựng áp lực phải mang đến cho nước Anh một người kế thừa hợp pháp, toàn vẹn.

Ban đầu, Charlotte không thể hiểu được áp lực này. Nhưng hàng chục năm sau khi kết hôn, cô là người hiểu rõ nhất khi cả 14 người con cô sinh ra đều không thể trở thành một vị Vua/ Nữ hoàng hợp pháp cho quốc gia.

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 6
Michelle Fairley trong vai Augusta, Thái phi xứ Wales (mẹ Vua George III)

Gợi sự đồng cảm từ những vấn nạn xã hội

Bên cạnh câu chuyện về tình yêu, tình bạn, Nữ hoàng Charlotte: Câu chuyện Bridgeton còn đề cập đến những vấn nạn xã hội từ lâu vẫn âm ỉ chảy trong xã hội và tồn tại theo thời gian.

Mọi người đều bình đẳng, nhưng bạn sẽ thiệt thòi hơn nếu sở hữu một làn da tối màu. Charlotte là nữ hoàng nước Anh, nhưng điều đặc biệt hơn cả đó chính là việc cô là Nữ hoàng da màu đầu tiên. Điều này tưởng chừng như sẽ kéo gần khoảng cách giữa hai sắc tộc trong giới thượng lưu và hoàng gia thì lại diễn biến theo chiều ngược lại.

Thái phi xứ Wales thẳng thắn chê bai làn da tối màu hơn mong đợi của Charlotte. Bà thẳng thừng yêu cầu họa sĩ chỉnh cho làn da của nữ hoàng sáng hơn trong bức tranh chân dung kỷ niệm kết hôn của hai người. 

Khi phát hiện Charlotte sở hữu làn da không như bà mong đợi, Thái phi liền ranh mãnh mời các vị khách sở hữu làn da tương tự nhằm che giấu đi sự bất thường cũng như làm bức bình phong cho tấm lòng xảo quyệt của mình. 

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 7
Nữ hoàng Charlotte không được lòng mẹ chồng bởi màu da tối màu hơn của mình

Giới thượng lưu Anh quốc khi đó cũng có sự phân tầng rõ rệt khi các Quý ông/Quý bà sở hữu làn da quá tối màu sẽ bị từ chối tham gia các hoạt động cao cấp của giới thượng lưu. Khi Quý bà Danbury quyết định tổ chức bữa tiệc mùa xuân, các khách mời của cô liên tục từ chối tham dự bởi không ai muốn tham dự buổi tiệc do người da màu làm chủ.

Điều này buộc Nữ hoàng Charlotte phải giải quyết vấn đề này ngay từ đầu. Đó là thuyết phục Vua George III tham dự để thu hút sự chú ý của giới quý tộc đến bữa tiệc.

Một vấn đề nữa là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Dù đây chỉ là một vấn nạn xuất hiện chớp nhoáng trong phim nhưng cũng gợi lên sự thương cảm từ khán giả. Anh trai của Nữ hoàng, Adolphus chê trách và bày tỏ sự hối hận khi cho em gái học quá nhiều, khiến cô có tư duy độc lập và mạnh dạn phản kháng lại yêu cầu của mình.

Hay như Quý ông Danbury tiếc tiền và từ chối cho những người con gái của mình học hành, bởi ông cho rằng việc đó sẽ chẳng giúp ích gì. Tất cả những điều ấy đều cho thấy một sự thật rằng trong thời đại đó, dù có địa vị cao hay thấp thì con người ta vẫn luôn có cái nhìn phân biệt và thiên vị dựa trên đặc điểm giới tính.

Âm nhạc, diễn xuất, cảnh quay… những yếu tố góp phần làm nên thành công của bộ phim

Đảm nhận vai Nữ hoàng và Vua - những vai diễn có phần nặng đô của bộ phim là hai diễn viên trẻ India Amarteifio và Corey Mylchreest. Tuy đều là những gương mặt khá mới nhưng India Amarteifio và Corey Mylchreest đều cho thấy diễn xuất tự nhiên. Cả hai khắc họa được sự đau khổ mà nhân vật phải trải qua. Đồng thời, những phân cảnh yêu cầu diễn xuất nội tâm đều được hai diễn viên lột tả vô cùng chân thực. 

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 8
Lối diễn xuất tự nhiên cùng tương tác ăn ý của hai diễn viên chính đã góp nên sự thành công cho câu chuyện tình Hoàng gia

Tuy vậy, màn tương tác của cả hai trong một số phân cảnh vẫn còn khá gượng gạo. Điển hình như phân đoạn George III xuất hiện và thể hiện sự tinh tế, thông thái của mình khi Charlotte chuẩn bị vượt tường trốn hôn lễ. Việc Charlotte bất ngờ và trở nên dễ xiêu lòng chỉ qua vài câu nói của vị Vua trẻ trong khi bản thân cô được khắc họa là một người thông minh, tự tin cũng chưa thuyết phục lắm.

Âm nhạc vốn là một phần không thể thiếu, góp phần nâng cao giá trị của bộ phim. Nếu thiếu đi sẽ làm mạch phim trở nên nhàm chán, nhưng nếu sử dụng quá đà sẽ làm khán giả bị phân tâm và làm nội dung phim bị lu mờ. Trong Nữ Hoàng Charlotte: Câu Chuyện Bridgeton, âm nhạc là thứ vũ khí được vận dụng có chừng mực và góp phần nâng cao xúc cảm cho từng phân cảnh.

Vốn là bộ phim lấy đề tài hoàng gia nên các ca khúc được sử dụng đều thể hiện được sự thanh cao, nhã nhặn. Từ Beyonce đến Whitney Houston hay Alicia Keys, các ca khúc như Halo, I Will Always Love You hay If I ain’t Got You đều được lồng ghép một cách sáng tạo bằng những bản phối theo hướng cổ điển.

Từng cảnh quay của bộ phim cũng lột tả được vẻ đẹp thơ mộng của nước Anh ở thế kỷ 18. Xen kẽ đó là sự hào nhoáng, tráng lệ của Hoàng gia Anh vào thời kỳ hưng thịnh của đế quốc này.

Queen Charlotte: A Bridgeton Story Review: Không chỉ là một tác phẩm giải trí 9
Bộ phim làm khán giả choáng ngợp bởi khung cảnh xa hoa, tráng lệ của Hoàng gia Anh lúc bấy giờ

Điểm trừ đáng tiếc

Bởi được cảnh báo ngay từ đầu rằng bộ phim không phải là một bài học lịch sử mà là câu chuyện hư cấu, lấy cảm hứng từ thực tế, vì vậy, những chi tiết có phần sai lệch về lịch sử có thể tạm chấp nhận được. Tuy vậy, về cách khai thác và phát triển tình tiết phim lại là một vấn đề khác.

Bên cạnh việc Nữ hoàng Charlotte quá dễ xiêu lòng trước George III thì cách phát triển vấn đề sắc tộc trong phim khá hời hợt. Cuộc “Thử nghiệm tuyệt vời” về sự hội nhập của hai sắc tộc được coi là đủ quyết liệt để George III kinh ngạc vì đã tạo ra nhiều thay đổi hơn và dường như phát triển nhiều hơn so với những gì nước Anh đã làm trong thế kỷ trước.

Đồng thời, loạt phim cũng miễn cưỡng thăm dò những thái độ tiêu cực được thể hiện thông qua sắc lệnh này. Tuy nhiên, vấn đề sắc tộc chỉ dừng tại đây. Bộ phim gần như để lại ấn tượng rằng lý do duy nhất khiến nước Anh không xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc sớm hơn chỉ đơn giản là không ai có ý định để thực hiện.

Liệu có xứng đáng để mở đầu tháng 5 bằng Queen Charlotte: A Bridgeton Story (Nữ vương Charlotte: Câu chuyện Bridgeton)? Tôi nghĩ là có. Trang phục bắt mắt, bối cảnh xa hoa, lộng lẫy, âm nhạc độc đáo, diễn xuất tự nhiên… đây sẽ là những yếu tố làm bạn bị cuốn vào bộ phim ngay từ những giây đầu tiên. 

Ngoài ra, bởi được ra mắt vào khoảng thời gian quan trọng nhất của nước Anh - lễ đăng quang của vua Charles III (06/05/2023), bộ phim dường như sẽ là một phương tiện giúp quảng bá hiệu quả danh tiếng của Hoàng gia Anh trong giai đoạn có những thay đổi lớn này.

Cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim.

Bình luận