The First Slam Dunk (Cú Úp Rổ Đầu Tiên) đang liên tục tạo ra cơn sốt, càn quét màn ảnh rộng không chỉ tại Việt Nam. Có lẽ ít nhất một lần bạn đã từng nghe qua cái tên Slam Dunk, hoặc đã từng đắm chìm trong những trận đấu bóng rổ nhiệt huyết sôi sục.
Xem thêm:
Anime 2023 được mong chờ nhất sắp đổ bộ Netflix
Top 15 tựa anime bóng rổ 'hay miễn chê' với loạt màn trình diễn thể thao gay cấn!
The First Slam Dunk review: Nhất định phải ra rạp thưởng thức!
Dù đã từng nghe, đã xem qua hay chưa nhưng nếu là một người cũng thích xem anime, đang cảm thấy mơ hồ với cuộc sống, mất đi động lực để cố gắng thì nhất định bạn nên xem The First Slam Dunk. Bởi dám chắc rằng, bạn sẽ ít nhiều cảm nhận được thế nào là tinh thần không cam chịu thất bại, “chúng ta chỉ thật sự thất bại một khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”, “khi muốn từ bỏ hãy nhớ lại lý do tại sao bạn lại bắt đầu”...
Nhờ The First Slam Dunk, fan hâm mộ 8x và 9x đã lần nữa được trải qua bản hòa tấu cảm xúc rạo rực của một phần tuổi thơ. Nhờ Cú Úp Rổ Đầu Tiên, không ít người xem đã tìm lại được động lực để cố gắng theo đuổi đam mê. Dù cho con đường phía trước có khó khăn bao nhiêu, thất bại bao nhiêu lần cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ, cũng sẽ đứng lên để tiếp tục phấn đấu vươn tới đỉnh cao, với tay chạm đến thành công.
Qua góc nhìn của Ryota Miyagi, nỗi mất mát vô cùng to lớn của cậu trong quá khứ như tấm gương phản chiếu mỗi một chúng ta. Rất nhiều người đã từng có những vết thương lòng tác động đến quyết định và lựa chọn cách sống.
Dù ít hay nhiều vẫn luôn phải gánh chịu những đè nén trong vô vọng và bất lực. Ngoài mặt chúng ta trông rất bình thường, trông rất ỔN nhưng sâu trong tâm hồn là những nỗi đau vô hình không ngừng dày vò, xâu xé tâm trí ta.
Khi xem phim, nếu thật sự không thể cảm nhận và bước vào thế giới của những chàng trai “mạnh mẽ” ấy, ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy có chút khó chịu và không quen với cách kể chuyện đan xen giữa thực tại và hồi tưởng của bác Takehiko Inoue trong tác phẩm điện ảnh “kỷ niệm” lần này.
Nhưng quả thật fan đã hoàn toàn bước vào thế giới Slam Dunk ngay khi những nét vẽ quen thuộc của tác giả dần hiện lên trên màn ảnh.
Để nhận xét hay đánh giá The First Slam Dunk, đã có rất nhiều bài viết ngợi khen, tán thưởng hết lời trên các diễn đàn và trang web. Nhưng phải công nhận, ở góc độ không soi xét trên phương diện chuyên nghiệp/chuyên gia, The First Slam Dunk chắc chắn là một trong số tựa anime điện ảnh đáng xem nhất trên màn ảnh rộng 2023.
Nội dung không có gì để chê trách, chỉ có ý muốn tìm hiểu nhiều hơn trong từng khung hình một, từng nhân vật một. Ngoài nhân vật chủ chốt ra, từ đội bóng rổ Shohoku đến đội đối thủ, cho đến HLV của hai đội, trợ lý, người mẹ, em gái,... kể cả khán giả ngồi trên khán đài cũng có “sứ mệnh” nhất định trong phim.
Sự kết hợp giữa công nghệ hình ảnh 3D và 2D một cách uyển chuyển, tinh tế để giữ trọn vẹn giữa cảm xúc và hiệu ứng thị giác. Hẳn bạn đã phải trải qua rất, rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trong rạp, những giọt nước mắt xúc động không thể kìm nén.
Khán giả đã phải đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác, vui vẻ cười rộ lên hay cảm thấu nỗi buồn bã, thê lương đến khó hiểu đến cùng cực, đã có chút bực tức, bất lực và căng thẳng, hồi hộp đến độ nín thở trong những giây cuối cùng của trận bóng rổ huyền thoại,...
Sức hút của The First Slam Dunk đã quá rõ ràng khi liên tục ghi nhận doanh thu tăng lên liên tục. Không ít khán giả Việt đã không ngại "tiếc tiền và thời gian" để ra rạp xem đi xem lại nhiều lần chỉ vì muốn ngắm nhìn các cầu thủ Shohoku một cách “rõ ràng” hơn, để cóp nhặt, chắt chiu và cảm nhận tinh hoa đến từng chi tiết nhỏ được cài cắm trong phim.
Phải nói rằng đây là một trải nghiệm xem anime điện ảnh vô cùng tuyệt vời, thăng hoa cảm xúc, chạm đến trái tim người xem một cách mãnh liệt nhất.
The First Slam Dunk mang đến trị tinh thần và nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc cho cả fan lẫn nonfan
Nhân vật chính Ryota Miyagi lần này đã được lột tả một cách sâu sắc, thấu đáo đến mức có thể cảm nhận được những gì mà cậu Sói nhỏ bé ấy đã và đang trải qua, có thể cảm thấy hối hận thay, nuối tiếc thay, “mừng thay”... cho cậu.
Cái cách mà “người thầy” - HLV Mitsuyoshi Anzai tận tâm, tận tụy có thể quan sát và nhìn rõ tiềm năng của những cậu học trò “bất ổn” của mình cũng đã làm cho khán giả xúc động.
Thầy đã giúp đội bóng Shohoku trưởng thành từng bước một, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân để dần tỏa sáng và trở thành ngôi sao hàng đầu trong giới bóng rổ. (Chính Anzai là người có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển các nhân vật chính trong câu chuyện Slam Dunk, đặc biệt là nhân vật chính Hanamichi Sakuragi.)
Bạn sẽ thấy đôi lúc chúng ta cũng nên thử một lần sống “bất chấp”, sống thật “trọn vẹn” cho một khoảnh khắc huy hoàng nhất, rực rỡ nhất như mái tóc đỏ nổi bật trên sân của Hanamichi Sakuragi. Vì nếu như bỏ lỡ khoảnh khắc ấy biết đâu sau này ta lại phải sống trong sự hối hận và bứt rứt rồi không ngừng thốt lên rằng “giá như lúc ấy…”
"Trừ khi tiếng còi vang lên, đừng bao giờ bỏ cuộc. Nếu bỏ cuộc, trận đấu xem như kết thúc".
Quả thực là như vậy trong một trận đấu bóng rổ và rộng hơn, vĩ mô hơn chính là sự liên kết trong cuộc sống hiện thực.
Ta thật sự là ai? Chỉ khi ta sống có có mục đích rõ ràng, có đam mê, có ước mơ và không ngừng nghỉ để nỗ lực hiện thực nó thì mới có thể khắc ghi rõ ràng cái tên của ta.
Bên cạnh tình cảm gia đình, tinh thần đồng đội, tinh thần bạn bè là thứ rõ rệt nhất mà khán giả cũng đã cảm nhận được trong The First Slam Dunk thông qua những tiếng cười thật sảng khoái. Các thành viên trong một đội với những quá khứ “bất hảo”, những góc khuất trong tâm hồn, không một ai là hoàn hảo…
Họ thiếu sót, họ mang những vết thương lòng không người hay biết… Họ từng mâu thuẫn, nghi ngờ lẫn nhau, phán xét đối phương chỉ bằng ánh mắt mà không phải bằng trái tim,...
Nhưng cho đến khi bước vào trận đấu, liên tiếp là những "cú tát chí mạng" từ hiện thực nghiệt ngã, họ mới thấy họ hiểu nhau đến “chân tơ kẽ tóc”, ăn ý đến mức chỉ bằng một ánh mắt đã có thể truyền đạt được suy nghĩ cho nhau,...
Họ lựa chọn ủng hộ quyết định của đồng đội hơn là khuyên nhủ theo những gì người khác cho là như vậy mới tốt. Những câu nói, hành động là thứ truyền thêm lửa, thêm sức mạnh và tinh thần để cùng nhau chiến thắng đối thủ nặng ký tưởng chừng không có khả năng để đảo ngược được tình thế, chuyển bại thành thắng.
Bác Inoue Takehiko đưa những chàng trai yêu quả bóng cam lên màn ảnh rộng một cách đa chiều và sâu sắc như thế nào? Chỉ khi bạn ra rạp mới có thể cảm nhận từng chút một và tin chắc sẽ phải xuýt xoa tán thưởng, thậm chí khó lòng kìm nén cảm xúc trong lòng mà thốt lên những câu cảm thán từ tận đáy lòng.
Dù cho các nhân vật phụ có rất ít đất diễn nhưng vẫn đủ để người xem hình dung và nhận ra mối liên kết giữa họ và quả bóng cam.
Than ôi! Không biết phải dùng ngôn từ ra sao để có thể diễn tả hết cảm nhận tuyệt vời dành cho một tác phẩm anime thể thao này. Slam Dunk đã đưa bóng rổ đến với vô số thanh thiếu niên tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, đã thổi bùng ngọn lửa đam mê quả bóng cam trong trái tim của các cầu thủ.
"Bữa tiệc thịnh soạn" mãn nhãn, đã tai
Về hình ảnh và âm thanh trong The First Slam Dunk, bạn chắc đã đọc qua rất nhiều đánh giá cao. Đúng! Chất lượng hình ảnh và âm thanh trong phim tuy sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng thật sự đã mang đến một bữa tiệc sống động, chân thực đến bất ngờ.
Trong tâm thế không quá mong đợi nhưng lại quá đỗi kinh ngạc trước chất lượng hình ảnh mượt mà, chân thực như thể đang xem một trận đấu bóng rổ ngoài đời thật. Chuyển động của các cầu thủ từ đi bóng, nhồi bóng, đập rổ, ghi bàn,... khi các cầu thủ đối đầu, áp sát nhau,... cùng một số kỹ thuật chỉ có dân bóng rổ mới dễ dàng nhận ra… đều đã được xử lý rất tỉ mỉ, trông hệt như người thật chuyển động gần 100%. Các nếp gấp quần áo, đổ bóng cùng những giọt mồ hôi ướt đẫm cũng giúp đẩy tình tiết lên cao trào và kịch tính hơn.
Cái cảm giác “hụt hẫng chưa đã” mà một số người xem nhận xét khi có những khoảng lặng chen ngang vào trận đấu lại là điểm nhấn bóng bẩy nhất cho dòng chảy của câu chuyện. Những khoảng lặng là những khoảng ngừng hợp lý để khán giả vừa có thể thăng hoa với trận bóng rổ huyền thoại vừa có thể lắng lòng và tiến vào nội tâm nhân vật với một cảm xúc thật trọn vẹn.
Tuy vẫn còn sử dụng những khung hình 2D nhưng chính điều đó đã giữ được “phong vị” thuần túy của Slam Dunk và như một cổ máy thời gian đưa khán giả trở về với tuổi thơ mê mẩn những trang truyện trắng đen của bác Inoue Takehiko.
Âm thanh ư, hình ảnh đã ở mức xuất sắc thì âm thanh nào có thua kém! Âm thanh của trái bóng đập trên nền sân vang vọng trong rạp như thể chính bạn đang là một khán giả tại khán đài xem trực tiếp, tiếng giày ma sát trên sân, tiếng bóng đập vào thành rổ,... tất cả đều rất thực và khớp với các frame hình. Tiết tấu dồn dập, tiếng đồng hồ đếm ngược,... thật sự đã “ép” người xem đến mức nín thở khi đã đưa tình tiết lên đến cao trào nhất, mãnh liệt nhất.
Nhạc nền càng không cần phải nói nhiều thêm, vừa hay vừa bắt tai vừa thể hiện được tinh thần thể thao máu lửa và được sử dụng rất đúng thời điểm, tạo ra hiệu ứng trọn vẹn nhất.
Những điều nên biết trước khi xem The First Slam Dunk
Nguồn gốc của tác phẩm Slam Dunk
Manga Slam Dunk là một bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả Inoue Takehiko. Bộ truyện này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1990 trên tạp chí Weekly Shonen Jump và đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trên khắp thế giới.
Slam Dunk xoay quanh câu chuyện về Hanamichi Sakuragi, một học sinh cấp ba bị đánh giá thấp về khả năng học tập và tính cách bạo lực. Sau khi bị cô gái mình thích từ chối lời tỏ tình, Sakuragi vô tình tham gia vào đội bóng rổ của trường.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và tài năng, cậu và đội bóng của mình đã trải qua nhiều khó khăn và thất bại. Nhưng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, Sakuragi đã dần trở thành một cầu thủ xuất sắc và giúp đội bóng của mình đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Slam Dunk được đánh giá là một trong những bộ truyện tranh hay nhất về môn bóng rổ nói riêng và thể thao nói chung. Ngoài ra, bộ truyện còn được đánh giá cao về cách xây dựng nhân vật và tình tiết, cũng như mang đến cho độc giả không ít cảm xúc và vô vàn bài học ý nghĩa.
Anime Slam Dunk
Anime Slam Dunk là phiên bản hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh được sản xuất vào năm 1993 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ anime về thể thao được yêu thích nhất tại Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới.
Tác phẩm đã tái hiện lại câu chuyện về Hanamichi Sakuragi và đội bóng rổ của trường Shohoku. Trong anime, các nhân vật được đưa lên màn ảnh với hình ảnh đẹp mắt, tạo nên những trận đấu bóng rổ hấp dẫn và đong đầy cảm xúc.
Âm nhạc cũng là một điểm nổi bật của anime Slam Dunk với những bản nhạc sôi động, phù hợp với không khí của các trận đấu bóng rổ. Anime Slam Dunk đã trở thành một biểu tượng của văn hóa thể thao Nhật Bản và được xem là một trong những bộ anime về thể thao hay nhất mọi thời đại.
Các fan hâm mộ không chỉ thích xem anime Slam Dunk để thưởng thức những trận đấu bóng rổ hấp dẫn mà còn vì thông điệp về sự cố gắng, tinh thần đồng đội và khát khao, đam mê cháy bỏng trong cuộc sống.
Nét vẽ khác biệt giữa manga vs anime vs bản điện ảnh của Slam Dunk
Hình ảnh trên màn ảnh rộng trong Cú Úp Rổ Đầu Tiên hoàn toàn khác với phiên bản hoạt hình trong ký ức và chuyển động trôi chảy của các nhân vật cũng khác. Cuộc thi quốc gia trong ấn tượng của người hâm mộ chỉ đơn giản hai màu đen trắng, nhưng trong phim sẽ là một bức tranh sinh động tràn ngập sắc màu.
Mặc dù có sẽ hơi hụt hẫng và lạ lẫm đối với fan hâm mộ nhưng đến phút thứ 5, mọi thứ đã hoàn toàn khác. Trên thực tế, nếu bạn xem kỹ, phong cách của phiên bản điện ảnh vẫn rất gần với manga, thậm chí còn có một số nét, gần với manga gốc hơn hẳn so với phiên bản hoạt hình.
Sau khi được tô điểm thêm màu sắc và đồ họa vô cùng đẹp mắt đã làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn cả trong trí tưởng tượng của fan.
Tiêu đề mở đầu của phim cũng được thiết kế đặc biệt, sự xuất hiện của 5 chàng trai Shohoku chắc chắn sẽ khiến bạn "vỡ òa".
Chưa từng xem nguyên tác có nên xem không?
Thật ra không nhất thiết phải từng đọc truyện hay xem phiên bản anime mới có thể xem The First Slam Dunk. Nhưng ít nhất từng xem qua anime mới có thể hiểu rõ cặn kẽ bản điện ảnh lần này. Vì phim chủ yếu sẽ là trận đấu huyền thoại giữa Shohoku "bất ổn" và Shonoh "bất bại".
Nếu không có nắm được những chi tiết cơ bản sẽ hạn chế cảm nhận trọn vẹn. Để xây dựng và duy trì nhịp phim, một số tình tiết đã được giản lược bớt. Khán giả cần những mảnh ký ức để ghép lại cho hoàn chỉnh. Ai đã từng xem bản hoạt hình sẽ có thể hiểu đầy đủ cốt truyện hơn.
Chẳng hạn như đội Shonoh với các thành viên đỉnh cao như thế nào mới gọi là những "siêu sao bất bại, là cầu thủ số 1 Nhật Bản"; hay Shohoku đã trải qua nỗ lực lớn như thế nào để có thể đối đầu với Shonoh...
Tuy nhiên, "dự đoán" diễn biến và hiểu theo cảm nhận riêng thật sự là một điều thú vị đối với khán giả. Đôi khi không cần phải biết đến quá nhiều nhưng khi xem sẽ "tự động hiểu" theo bản năng và cảm xúc khi theo dõi phim.
Tại sao lại chọn góc nhìn của Ryota Miyagi mà không phải là Hanamichi Sakuragi hay một nhân vật nào khác?
The First Slam Dunk bắt đầu và kết thúc bằng câu chuyện và góc nhìn của Ryota Miyagi thay vì nhân vật chính Hanamichi Sakuragi trong nguyên tác.
Cho dù có khai thác góc nhìn từ nhân vật chính trước đó mọi người cũng sẽ không có ý kiến gì, vẫn vui vẻ ra rạp xem phim và vẫn chấp nhận như những gì họ đã yêu mến trước đó. Nhưng cùng một góc nhìn, kể cùng một câu chuyện sẽ không tránh khỏi sự rập khuôn, lối mòn và thiếu sự sáng tạo.
Có lẽ bác Inoue Takehiko không muốn chỉ "lặp lại" Slam Dunk, mà bắt đầu từ một góc độ mới đầy bất ngờ và mê hoặc.
Nhưng nếu là Sendoh thì sao?
Sendoh rất được yêu thích, nhưng anh ta chỉ sống trong thế giới của riêng mình, trong mắt anh ấy chỉ nhìn thấy bóng rổ. Khai thác từ anh ấy sẽ khó khăn trong việc đào sâu và nhìn thấy những khía cạnh khác.
Nếu là Akagi thì sao?
Akagi là trụ cột tinh thần của đội bóng Shohoku, nhưng trong trận đấu với đội Ryonan, vai trò của anh ta rất hạn chế. Trong trận đấu này, anh đã bị đối thủ Kicchou Fukuda đánh bại với lối chơi nhanh và thông minh. Sau trận đấu, Akagi đã tỏ ra khá thất vọng và tự trách mình vì đã không thể đóng góp nhiều hơn cho đội bóng của mình.
Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp bóng rổ của Akagi, khi anh nhận thức được mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành một cầu thủ xuất sắc hơn. Ngoài ra, lý lịch nhân vật của Akagi đã khá phong phú, đặc biệt là trong ký ức của Kogure. Vì vậy, có lẽ đã không còn nhiều không gian để phát triển thêm cho nhân vật này.
Còn Mitsui thì sao?
Trong số năm người hùng Shohoku, hình tượng nhân vật của Mitsui đã trở nên rất đặc sắc, thậm chí còn phong phú hơn cả nhân vật chính Sakuragi Hanamichi. Cậu đã có một câu chuyện riêng từ đầu đến cuối, nếu thêm thắt một số yếu tố vào, sẽ dễ dàng làm xáo trộn và gây ra nhiều lỗ hỏng thiếu liên kết.
Inoue Takehiko đã nói rằng khi sáng tác Slam Dunk vẫn còn rất trẻ, tại thời điểm đó, tác giả đầy khát khao và yêu thích nhân vật chính Sakuragi Hanamichi với vô số tiềm năng.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, quan điểm và giá trị cuộc sống của tác giả đã trải qua những thay đổi lớn. Vì vậy lần này anh chọn cách kể câu chuyện từ góc nhìn của những người đã trải qua nỗi đau và vượt qua được nó và không ai phù hợp hơn chính là Ryota Miyagi.
Có lẽ chúng ta, những người yêu thích Slam Dunk, phần lớn đã trải qua nhiều lần bị vùi dập bởi xã hội. Chúng ta đã nhận ra rằng mình không phải là những thiên tài như Hanamichi Sakuragi hay Hisashi Mitsui, và cũng không có tài năng thiên bẩm như Kaede Rukawa.
Chúng ta có thể là những người hết sức bình thường, không có tài năng vượt trội, nhưng lại phải chịu đựng sức ép của cuộc sống. Chúng ta phải luôn cố gắng gấp bội bằng năng lực của bản thân để đi đến mục tiêu mà chúng ta nhắm đến. Chúng ta bước đi nặng nề nhưng luôn tràn trề nhiệt huyết, nỗ lực và trải qua cả thanh xuân với những khó khăn và gian nan.
Tóm lại, bạn không cần phải do dự có nên dành thời gian để trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau cùng The First Slam Dunk hay không? Tác phẩm anime này thật sự đáng xem và rất có giá trị tinh thần, cổ vũ tinh thần và chữa lành cho tâm hồn của bạn đấy!
Cùng VOH giải trí cập nhật liên tục những thông tin phim ảnh hấp dẫn nhất tại chuyên mục phim.
Ảnh: Tổng hợp nhiều nguồn