Một điểm sáng vừa được cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang, trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Thủ Đức) thắp lên qua quyết định yêu cầu phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục. Chỉ đạo của cô hiệu trưởng được đông đảo dư luận quan tâm và cha mẹ học sinh của trường ủng hộ nhiệt liệt như một điểm sáng của ngành giáo dục tại TPHCM.Tại các nước phát triển, giáo dục ở cấp bậc phổ thông được bao cấp 100%, phụ huynh không phải đóng bất kỳ loại tiền học phí hay tiền cơ sở vật chất nào cả. Điều đó xuất phát từ nhận thức: giáo dục là nền tảng tạo dựng nhân cách, định hình sự phát triển quốc gia, dân tộc. Hình ảnh Người Thầy trong mắt các em từ nhỏ sẽ ảnh hưởng quyết định đến nhận thức, lối sống, cách hành xử của các em trong suốt cuộc đời.Các em trở thành người tốt, người xấu đều xuất phát từ nền giáo dục cơ sở của nhà trường và gia đình, tựa như một cây con, muốn uốn thì phải uốn khi cây còn non. Muốn các em trở thành người tốt, người có ích thì môi trường giáo dục phải trong lành trước đã.Cùng mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, nhưng Bảng Dự tính thu chi của hai lớp 9 ở trường THCS Lê Quý Đôn (thuộc Quận 3) hay Bảng Dự trù kinh phí hoạt động của một lớp 1 ở trường Võ Thị Sáu (Quận 7) làm dậy sóng dư luận xã hội mấy ngày qua. Ngay cả các bậc phụ huynh có con còn tuổi đi học cũng phải bật ngửa vì các con số dự thu tại 2 trường này lên đến vài trăm triệu đồng/năm/ lớp.Nhiều khoản thu “trời ơi”, “đất hỡi” tạo tâm trạng lo lắng, ngán ngẫm của các bậc phụ huynh không đủ khả năng đóng. Đóng thì không biết chắt bóp ở đâu, không đóng thì cũng không xong. Ban Đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp này đã vô cảm, cho thông qua biểu quyết đa số, vô tình đẩy các phụ huynh còn lại vào hoàn cảnh khó xử!Có ai biết hàng năm, nhiều trường có cha mẹ học sinh phải “bỏ của chạy lấy người”, khi con đã ra trường mà vẫn chưa đóng hết các khoản còn nợ cho trường, cho lớp. Nhà trường kết hợp địa phương đến nhà thu thì cũng không thể vì nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, phụ huynh không có việc làm, không có thu nhập ổn định, lại có 2, 3 con trong tuổi đi học!Việc đóng góp cho quỹ trường, lớp của các phụ huynh để cùng góp một phần với nhà trường giải quyết khó khăn cho trường hiện nay cũng là điều cần thiết khi thực hiện xã hội hoá, gia đình và nhà trường cùng chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục con trẻ. Nhưng thực tế không phải tất cả các phụ huynh đều có khả năng và việc đóng góp phải dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không nên “cào bằng”. Những phụ huynh khá giả, có điều kiện xin cứ tự nguyện làm mạnh thường quân đóng góp cho trường, lớp nhưng đừng vào Ban Đại diện rồi lại trở thành một nguồn "tích cực" vận động tận thu các loại quỹ.TPHCM từ năm 2015 đến nay vẫn áp dụng mức học phí thấp nhất theo khung do Chính phủ quy định. Riêng niên học 2021-2022, TPHCM đã miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh với kinh phí do TP cấp bù. Miễn được học phí năm học vừa qua, chưa kịp vui mừng thì bậc cha mẹ lại phải "méo mặt" vì các khoản chi vận động theo gợi ý của các Ban đại diện cha mẹ học sinh tăng theo…mặt bằng giá cả hàng năm!Lương của giáo chức hiện nay trên toàn quốc chưa được như mong muốn. Trong mặt bằng chung, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã thấy và đã có nghị quyết 03 từ năm 2018 nhằm chi thu nhập tăng thêm cho khối công, viên chức đặc biệt là viên chức ngành giáo dục và được thực hiện cho toàn nghành giáo dục ở các cấp phổ thông và mẫu giáo của TP. Đây là một quyết sách đúng đắn và rất đáng được trân trọng của TPHCM.Nói thế không phải không thấy vẫn còn những khó khăn trong đời sống của một số thầy cô, nhưng cũng không thể cứ vận động cha mẹ học sinh để giải quyết cho thầy cô như kiểu trường Võ Thị Sáu (Q7) đã làm: “mỗi tháng một giáo viên, một bảo mẫu, mỗi người 3 triệu đồng!”. Tổng cộng những khoản chăm cho các cá nhân trong trường đã "ngốn" hơn 102 triệu đồng trên tổng số hơn 130 triệu đồng dự trù kinh phí thu được!Không chỉ ở TPHCM, trên cả nước nhiều khoản thu chỉ nghe tên là thấy vô lý như: phí điểm danh, tiền bàn ghế, tiền máy tính, tiền điểm danh (bằng vân tay) báo động phòng chống bạo lực học đường và các khoản thu đóng góp cho trường xây dựng cơ sở vật chất như tiền: xây trạm biến áp cấp điện riêng cho trường… Chỉ nghe thôi dù không phải là cha mẹ học sinh cũng bức xúc.Thực ra Bộ Giáo dục đã có Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó có qui định về các khoản mà Ban Đại diện cha me học sinh không được vận động thu. Thế nhưng, hằng năm cứ vào mùa tựu trường lại rộ lên về các khoản lạm thu từ các trường gây nên những tai tiếng không tốt cho ngành Giáo dục. Đến nỗi mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phải gửi lời xin lỗi chân thành quý phụ huynh và cho biết nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng để xảy ra tình trạng thu phí ngoài quy định.Không phải là tất cả các trường đều như thế, nhưng Điểm sáng của trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Thủ Đức) chưa đủ tỏa sáng dư luận cho những điểm tối về lạm thu các loại quỹ đầu năm học. Phải quyết tâm trả lại ngành giáo dục những giá trị vốn có của nghề-nghiệp dạy học, để tinh thần Tôn sư trọng đạo mãi thiêng liêng trong tâm trí các thế hệ tương lai.Ngọc Sĩ
Điểm sáng - Điểm tối
Những điểm sáng ít ỏi của ngành giáo dục chưa đủ toả sáng dư luận khi xuất hiện những điểm tối từ quyết định “quá tay” của các Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Thứ Bảy, 08/10/2022, 10:44 (GMT+7)
Nội dung chính
Hiện thêmẨn bớt