Đúng như tên gọi, người ta ăn mừng Tết Tsagaan Sar (Tết Trăng Trắng) bằng cách mặc đồ trắng, cưỡi ngựa trắng, thưởng thức món ăn màu trắng làm từ sữa, đặc biệt là sữa ngựa và trao gửi những món quà màu trắng. Bởi màu trắng là biểu tượng của sự chân thành và hạnh phúc ở Mông Cổ.
Đêm "Trăng Tối" trong dịp Tết "Trăng Trắng"
Nếu ở Việt Nam có đêm "giao thừa" là đêm trước của ngày Tết Nguyên Đán thì đêm trước của ngày Tết Tsagaan Sar được gọi là đêm "Trăng Tối" (Lễ Bituun). Theo phong tục, người ta sẽ dọn dẹp và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trong lễ Bituun, bày biện bữa ăn thịnh soạn với thịt cừu, bánh kẹo truyền thống, đồ uống làm từ sữa ngựa, cơm nấu bằng sữa đông, bánh bao hấp… Họ sẽ ăn đến lúc no căng bụng, bởi họ quan niệm rằng để bụng đói trước thềm năm mới là kiêng kỵ.
Ẩm thực độc đáo của người Mông Cổ
Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Mông Cổ có tên là ul boov. Họ xếp bánh ngọt theo các tầng, số tầng là số lẻ. Tầng đầu đại diện cho hạnh phúc, tầng hai là đau khổ, cứ luân phiên nhau như vậy cho đến khi kết thúc là tầng hạnh phúc. Điều này gửi gắm mong ước giản dị: sự bắt đầu và kết thúc của con người đều diễn ra trong hạnh phúc.
Món ăn không thể thiếu nữa trong ngày Tết Cổ truyền ở Mông Cổ đó là tsagaalga. Món này gồm cơm nấu chín trộn với nho khô, đường và bơ hoặc cơm với sữa đông. Trong khi thưởng thức, thay vì uống rượu thì họ uống một thức uống làm từ sữa ngựa lên men. Có thể thấy, “nguyên tố” không thể thiếu trong tất cả các món ăn của người Mông Cổ là sữa.
"Trà sữa là đầu câu chuyện"
Nếu như ở Việt Nam có lễ nghi "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì ở Mông Cổ có một phong tục đó là uống một tách trà sữa trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Đây là món trà sữa Suutei Tsai gồm trà đen pha với sữa bò đun nóng, thêm một ít muối và bơ. Người Mông Cổ tin rằng loại trà này sẽ mang đến những điều tốt đẹp, rất phù hợp cho những cuộc gặp gỡ.