70 năm Thể thao Việt Nam – vượt qua thách thức, vươn cao, vươn xa

(VOH) - Tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn dân tập thể dục” được ví như một bản tuyên ngôn của nền Thể thao Cách mạng VN.

Từ cột mốc đó, ngày 27/3 cách đây 70 năm được chọn là ngày đầu tiên hình thành nên phong trào Thể dục thảo thao (TDTT), phong trào này luôn song hành cùng dân tộc ta trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm tháng vệ quốc gian khổ, Bác khẳng định và nêu gương cho phong trào toàn dân tập thể dục bằng cách “Tự tôi ngày nào cũng tập”. Từ bộn bề khó khăn, nhưng với tầm nhìn và trí tuệ thời đại, Bác Hồ và Đảng ta đã nêu lên một vấn đề có tính quốc sách: phải nâng cao sức khỏe cho toàn dân, xem lợi ích của sức khoẻ của mỗi người dân gắn liền với lợi ích của Tổ quốc. Một trong những biện pháp tích cực là luyện tập thể dục một công việc tiến hành “không tốn kém, khó khăn gì”. Phong trào “Khỏe vì nước” do Người phát động lan toả sâu rộng mọi miền. Nhiều phong trào như “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm”, “Thanh niên khỏe”, “Chiến sỹ khỏe”… rồi các loại hình tập luyện, vui chơi, thi đấu điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, võ vật cổ truyền và các trò chơi dân gian như đua ngựa, đua thuyền, kéo co, đánh phết… góp phần xây dựng đời sống mới ở thành thị lẫn nông thôn.

Cần khẳng định ngay rằng, chính TDTT góp phần tập hợp quần chúng, nhất là thanh niên, tạo nên một không khí thi đua lành mạnh, hào hứng phấn khởi, nêu cao đoàn kết, thông qua đó vận động nhiều tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, đồng lòng tham gia đấu tranh bảo vệ tổ quốc.

Từ đó đến nay, 70 năm - một chặng đường dài đủ để nền TDTT nước nhà đã có những buớc tiến không ngừng mới qua từng chặng đường. Mỗi chặng đường đi qua được ghi dấu ấn với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng. Để ngày nay, tập TDTT dần trở thành thói quen, nhu cầu hàng ngày, người người, nhà nhà tích cực tham gia rèn sức khỏe. Thể thao thành tích cao tự tin vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. 

Cái tên Ánh Viên đã tạo ra cơn sốt ở SEA Games với 7 kỷ lục và 6 chiếc HCV ở môn bơi lội. Ảnh: thethaotv

Thật đáng tự hào khi Việt Nam đã trở thành một cái tên quen thuộc khi luôn nằm trong Top 3 quốc gia hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á tại mỗi kỳ SEA Games, dần tiệm cận trình độ châu lục và thế giới. Danh sách những VĐV xuất sắc nhất thế kỷ 20 do Ủy ban Olympic quốc tế bình bầu, có 2 cái tên VN - đó là xạ thủ Trần Oanh, từng giữ kỷ lục thế giới môn bắn súng và võ sĩ wushu 6 lần vô địch thế giới Nguyễn Thúy Hiền. Những cái tên đã đưa hình ảnh VN thoát khỏi "vùng trũng" thể thao thế giới. Và không dừng ở đó, có những vận động viên khác tiếp bước xứng đáng ở những năm đầu thế kỷ 21. Đó là những Hoàng Xuân Vinh HCV thế giới bắn súng, Nguyễn Thị Ánh Viên bơi lội, Thạch Kim Tuấn vô địch thế giới môn cử tạ, Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Khôi vô địch thế giới môn cờ vua, Nguyễn Tiến Minh môn cầu lông, Phan Thị Hà Thanh HCV thế giới TDDC… Và ấn tượng hơn cả là Trần Hiếu Ngân ở bộ môn taekwondo, rồi Hoàng Anh Tuấn môn cử tạ, từng đứng trên bục vinh quang Olympic với những chiếc HCB lịch sử, đưa Việt Nam vào danh sách 70/200 quốc gia từng đoạt huy chương ở đấu trường lớn nhất hành tinh.

Trong bối cảnh hội nhập, cùng với các lĩnh vực khác, TDTT đã góp phần tăng cường giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại. Tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam được truyền bá đến nhiều quốc gia khắp năm châu, hình ảnh đất nước con người Việt Nam, tinh thần Việt Nam - thông qua các Đại hội thể thao, các chuyến tập huấn, hợp tác khắp thế giới.

Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, thể thao Việt Nam đã bước qua hành trình nhiều khó khăn, nỗ lực và đầy vinh quang, tự hào. Nhưng để thực sự tiến đến dân cường, nước thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì vẫn còn rất nhiều thách thức. TDTT góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, nhưng các phong trào thể thao quần chúng dù sâu rộng vẫn chưa đồng đều ở mỗi vùng miền. Thể chất, tầm vóc người Việt vẫn còn thấp bé so với nhiều quốc gia trong khu vực, chưa nói gì đến châu lục và thế giới. Thể thao thành tích cao chưa đủ sức cạnh tranh sòng phẳng cùng các cường quốc. Dù đã chuyển hướng tập trung đầu tư trọng điểm, song nhiều năm đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm trước đó, khiến thể thao nước nhà chậm chân so với bạn bè khu vực khi ra biển lớn.  

Ai cũng biết, phát triển thể thao đỉnh cao luôn gắn liền với đẳng cấp kinh tế. Trong điều kiện còn khó khăn, bên cạnh những nỗ lực tự thân, ngành TDTT cần huy động nguồn lực của toàn xã hội. Theo đó, cần tập trung xây dựng nền tảng thể thao học đường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả quản lý… Có như thế, chặng đường tiến đến dân cường nước thịnh mới có thể rút ngắn khoảng cách. Nhắc nhớ truyền thống, nhắc nhớ hành trình nỗ lực của ngành TDTT nước nhà suốt 70 năm qua - để tin rằng niềm tự hào đó, truyền thống đó, thành quả đó - đã, đang và sẽ tiếp sức cho thể thao Việt Nam vượt qua thách thức, vươn cao, vươn xa.