Bình luận: Bi kịch án oan sai, bao giờ mới dứt?

(VOH) - Câu chuyện về ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan với tội danh “giết người” đang gây rúng động dư luận. Trước ông từng có nhiều người khổ sở, gia đình tan nát chỉ vì sai sót của các cơ quan tố tụng. Số phận của một con người đã bị vùi dập đến tận cùng bởi cách làm tắc trách của một số cơ quan công quyền. Và một câu hỏi vô cùng day dứt được đặt ra: “Bi kịch án oan sai, bao giờ mới dứt?”
Bình luận: Bi kịch án oan sai, bao giờ mới dứt? 1

Sau 10 năm ngồi tù oan với tội danh “Giết người”, ông Nguyễn Thanh Chấn mới được về trong vòng tay gia đình, làng xóm.     (ảnh: IT)

Một kẻ giết người tuổi vị thành niên được gia đình giúp lẩn trốn an toàn 10 năm, vừa mới ra đầu thú. Một người vô tội đã bị buộc nhận thay bản án giết người ấy, vừa mới được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan. Câu chuyện trái oan đầy nghiệt ngã đó vừa xảy ra tại tỉnh Bắc Giang. Lại thêm một bài học đau xót từ sự chủ quan, thiếu trách nhiệm và có phần khinh xuất của những người thực thi công lý.



Sáng 4/11, ông Nguyễn Thanh Chấn, 52 tuổi ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được trả tự do về đoàn tụ gia đình sau 10 năm thụ án với tội danh “giết người”, mức án chung thân. Bản án oan nghiệt đó có lẽ sẽ theo ông cho đến cuối cuộc đời nếu không có một ngày, kẻ gây án thực sự là Lý Nguyễn Chung, 25 tuổi, đang lẩn trốn ở Đắc Lắc, ra đầu thú. Trở về trong vòng tay của gia đình, ông Chấn đã nhận được sự an ủi, chia sẻ động viên rất nhiều của cộng đồng. Không ít người còn phẫn nộ thay ông, bởi trong quá trình xét xử, ông Chấn và gia đình đã ra sức kháng án. Và trong suốt 10 năm ròng rã, vợ ông cùng những người thân đã bao lần gửi đơn khẩn cầu, kêu cứu đi khắp nơi nhưng dường như là vô vọng.


"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, vậy mà ông Chấn đã phải chịu nỗi oan khiên đằng sau song sắt suốt hơn 3.600 ngày. Điều đáng nói là những chuyện oan khuất như ông cũng không phải là chuyện hiếm. Tháng 8 năm 1995, ông Trần Văn Chiến ở Tiền Giang, sau 16 năm ngồi tù vì tội “giết người”, trở về thì hung thủ thực sự của vụ án mới bị lộ diện. Lúc đó người ta mới biết là ông bị oan. Tháng 6 năm 2008, anh Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh mới được rửa oan sau 4 năm bị tạm giam với 2 lần đối diện với bản án tử hình vì tội danh “vận chuyển ma túy”. Và còn vô số bản án oan khiên khác đã từng gây nên bi kịch cho biết bao số phận và gia đình họ.


Trong vụ việc của ông Chấn, thật đau xót khi hay rằng, ông đã khai nhận tội vì không chịu được sức ép trong quá trình xét hỏi từ các điều tra viên. Người ta cũng không còn lạ gì khi có những vụ án, nghi can bị điều tra viên mớm cung, ép cung và cả nhục hình từ những tay anh chị là bạn tù… để rồi phải nhắm mắt nhận bừa, dẫn đến kết quả bị sai lệch hoàn toàn. Vậy nên mới có những gia đình phải đi kêu oan ròng rã nhiều năm trời, có khi phải bán sạch tài sản, cầm cố cả nhà cửa đất đai để mong tìm lại công lý.


Trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, quy trình tố tụng từ các thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến những phần việc cụ thể của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là một quy trình chặt chẽ. Vậy nhưng án oan sai vẫn xảy ra, nguyên nhân là do đâu nếu không phải là từ sự chủ quan, tắc trách và cả non yếu về nghiệp vụ của người trong nghề? Đó thực sự là những lỗ hổng trách nhiệm khi mà các chứng cứ pháp lý và quy trình tố tụng không được tuân thủ nghiêm ngặt. Dư luận đã quá ngao ngán với không ít những lần quan điểm của các cơ quan tố tụng bất nhất, thậm chí còn “chỏi” nhau khiến các vụ án bị lật đi lật lại nhiều lần. Có những vụ đã trở thành “kỳ án”, như vụ án vườn mít ở Bình Phước hay vườn điều ở Bình Thuận khi quá trình xét xử kéo dài đến cả chục năm, với nhiều bản án khác nhau. Các vụ án này tuy đã tạm khép lại, nhưng vẫn còn đó những ngờ vực và cả sự hoang mang do chứng cứ thiếu thuyết phục. Đa số những sai sót trong hoạt động tố tụng thường được viện dẫn lý do là trình độ của các điều tra viên còn hạn chế. Song, ở nhiều vụ án oan sai đã cho thấy, trong quy trình tố tụng có cả những sự "nhầm lẫn" đến khó tin, và người ta còn nghi vấn về khả năng có kẽ hở tiêu cực xen vào.


Hãy thử đặt mình vào vị trí những người thụ án oan để thấu hiểu những chuỗi ngày tủi nhục bị tước mất quyền công dân, rồi danh dự, sức khỏe bị mất đi, và nỗi đau dai dẳng bao trùm lên cả gia đình, dòng tộc. Đoạn cuối của những vụ án oan sai thường là lời xin lỗi công khai và một số tiền bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhưng không gì có thể bù đắp được những tổn thất về danh dự, nỗi đau thể xác và tinh thần, về quãng thời gian đã mất trong cuộc đời mỗi con người. Đó là chưa kể, bi kịch sẽ chất chồng và nghiệt ngã hơn nếu những vụ án oan là án tử. Trong vụ ông Chấn có tình tiết giảm nhẹ vì là con liệt sỹ nên ông chỉ nhận án chung thân…

Ông Chấn đã được trở về với gia đình, nhưng chắc chắn vẫn còn đó bao phận người phải lãnh án oan đang trên hành trình đi tìm công lý. Mong là từ những bài học như thế này, ngành Tư pháp sẽ có những giải pháp chấn chỉnh cấp thời để nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất, tư cách hành nghề của đội ngũ cán bộ đang làm công tác tố tụng, điều tra, xét xử. Đồng thời phải xử lý nghiêm minh những người đã trực tiếp gây ra những vụ án oan sai. Không thể mãi để những lỗ hổng trách nhiệm như thế tồn tại ở những người thực thi công lý, có thể quyết định số phận, mạng sống của con người.