Bình luận: Canh bạc quyền lực ở Trung Đông

(VOH) - Cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới tại Syria vừa kết thúc với kết quả gần 90% số cử tri đồng ý ủng hộ bản hiến pháp do chính phủ của ông Bashar Al Assad soạn thảo. Đây là một tỉ lệ khá lý tưởng cho một cuộc trưng cầu ý dân.
Người dân Syria bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới.

Tuy nhiên, bạo lực vẫn tiếp diễn tại các thành phố như Homs, Deir al Zor, Dera, Hema, hàng trăm người tiếp tục ngã xuống mỗi ngày sau các cuộc xung đột bằng bạo lực giữa phe thân chính và phe chống đối. Trên bàn đàm phán, người ta tiếp tục cãi nhau, từ trong phòng họp của các thành viên thường trực hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đến biển Địa Trung Hải. Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết của mình trong thường trực Hội Đồng Bảo An để phản đối một nghị quyết của do các nước Châu Âu và Liên đoàn Arab đề xuất nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria. Trên biển Địa Trung Hải, Iran và Nga đã điều nhiều chiến hạm vượt kênh đào Suez vào sát bờ biển phía Tây Syria để hổ trợ cho người đồng minh Syria của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên, Syria tổ chức trưng cầu ý dân. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình năm 2000, ông Assad đã từng cho sửa đổi hiến pháp, hạ mức qui định tuổi tối thiểu từ 40 tuổi xuống 34 tuổi để ông có thể nhận chức tổng thống khi cha ông là Hafiz Al Assad qua đời sau 30 năm cầm quyền. Lần đó, kết quả là 97,29% người ủng hộ. Trong cuộc trưng cầu ý dân lần 2 năm 2007 có 97,62% người ủng hộ ông Assad tiếp tục làm tổng thống, và lần này, con số gần 90% người ủng hộ ông Assad cũng không phải là điều quá khó dự đoán. Hiến pháp mới như vậy là sẽ mở đường để ông Bashar Al Assad tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước thêm ít nhất hai nhiệm kỳ nữa, bắt đầu từ năm 2014.

Nhiều người lo ngại, nếu tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền, liệu Syria có thể trở thành một phiên bản Libya thứ hai, nghĩa là sẽ tiếp tục vòng xoáy bạo lực với sự hậu thuẫn của một bên là Nga, Trung Quốc, Iran và bên còn lại là phương Tây, các nước Arab, Mỹ và Israel. Mỹ ban đầu công khai ý định không muốn cung cấp vũ khí cho phe chống đối, nhưng gần đây, với cuộc xung đột không cân sức giữa phe chính phủ và lực lượng nổi dậy, Bộ ngoại giao Mỹ đã để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí khi tuyên bố rằng nếu không tìm được một giải pháp chính trị cho tình hình khủng hoảng hiện nay, Washington buộc phải cân nhắc những lựa chọn khác.

Nếu điều đó xảy ra ở Syria, một cuộc nội chiến là điều tất yếu.

Ván cờ Trung Đông gần đây nóng hơn bao giờ hết, chuyện Syria không chỉ giới hạn trong nội bộ Syria, mà còn có liên quan đến tình hình Iran với các mối quan hệ chồng chéo với Iran và với Israel, giữa Iran với chuyện làm giàu Uranium và chương trình hạt nhân, đó là chuyện phong tỏa eo biển Hormuz của Teheran, chận đường vận chuyển dầu thô của hơn 20% trữ lượng dầu thế giới không chỉ của Iran mà của toàn khối Arab vùng Trung Đông.

Đối với Israel, mối quan hệ thân thiết giữa Syria và Iran là điều mà nước này không thể chấp nhận được. Sự tồn tại của một chính phủ thân Iran ngay trên vùng biên giới phía Bắc của mình sẽ là một mũi giáo nhọn chọc vào đỉnh đầu Israel nếu chiến tranh xảy ra. Vì vậy, họ theo dõi diễn biến ở Syria một cách thận trọng và chưa công khai ủng hộ bên nào, bởi vì một lẽ đơn giản, nếu họ ủng hộ bất kỳ bên nào, thì bên kia có thể phát động ngay chiến dịch bài Israel trong khu vực để chống lại đối phương.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không phải là nguyên nhân chính, mà chỉ là những cái cớ. Syria, với lợi thế địa chính trị của mình, chỉ là một lựa chọn ngẫu nhiên để phục vụ cho ý đồ của các nước lớn trong việc hoàn tất kịch bản Mùa xuân Arab, lập lại thế cân bằng sau việc rút quân của Mỹ ở Iraq.

Một năm sau sự kiện Mùa xuân Arab được thổi bùng lại Tunisia. Từ Ai cập đến Lybya, Yemen, Bahrain và giờ đây là Syria. Cảm giác háo hức ban đầu về một nền dân chủ và các khái niệm giá trị theo kiểu phương Tây đã dần phai nhạt ở Trung Đông và Bắc Phi. Những gì người ta kỳ vọng lúc ban đầu chỉ là hình ảnh chết chóc, bạo lực tràn lan cùng với các tham vọng về quyền lực dần dần lộ mặt.

Đã có gần 8000 người Syria bỏ mạng, đã có một bản hiến pháp mới ở Syria, và hiện các bên vẫn đang ghìm nhau khi nhiệt độ Trung Đông không ngừng tăng lên theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Bộ Trưởng ngoại Giao Nga - ông Sergey Lavrov trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Bashar Assad gần đây tại Damasscus đã kêu gọi Tổng thống Syria hãy “làm những gì cần thiết để đảm bảo hòa bình trên đất nước này. Chúng tôi mong muốn người dân Ả Rập sống trong hòa bình và hòa thuận”.

Mong muốn của ông Sergey Lavrov cũng là hi vọng của người dân Syria và của nhân loại yêu hòa bình trên toàn thế giới.