Bình luận: Châu Á, tâm điểm chiến lược của Mỹ trong thế kỷ mới

(VOH) - Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã có chuyến công du đầu tiên đến thăm châu Á.

(VOH) - Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, bà Hillrary Clinton đã có chuyến công du đầu tiên đến thăm châu Á. Khác với người tiền nhiệm Condoleeza Rice đặc biệt quan tâm vai trò của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông, vấn đề châu Á được bà Hillrary nhắc tới nhiều lần, kể cả trong lúc bà còn là thượng nghị sĩ cũng như khi đã nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ.

Trong buổi điều trần trước thượng viện Mỹ, bà Hillary Clinton từng nhấn mạnh rằng mối quan hệ Trung Mỹ là quan trọng nhất ở châu Á, điều này đã nhen nhóm lại sự lo lắng của Nhật khi trước đây, khi mà ông Bill Clinton, trong một chuyến công du của mình ở vị trí tổng thống, ông cũng từng thăm Trung Quốc mà bỏ qua Nhật Bản.

Lần này, bà Clinton không muốn chuyện đó lập lại, và đó có thể là lý do khiến tân ngoại trưởng Mỹ chọn Nhật Bản là nơi đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này.

Ngay sau khi đặt chân đến Nhật, bà Clinton nói rằng quan hệ giữa Mỹ và Á châu là vô cùng quan trọng để giải quyết các thách thức của thế kỷ thứ 21. Tại đền thờ Shinto, nơi thờ vua Minh Trị Thiên Hoàng, người được coi là đã khai sinh ra nước Nhật hiện đại bà Clinton nói rằng nước Mỹ sẽ tập trung lắng nghe và châu Á sẽ là đối tác quan trọng giải quyết vấn đề tòan cầu đang được quan tâm nhất hiện nay vì "không ai có thể giải quyết các vấn đề một mình”. Cùng với Nhật, Hàn quốc, Ấn độ, các thành viên khối ASEAN chính phủ của ông Obama hi vọng có thể cùng với Trung quốc và các đối tác châu Á giải quyết được vấn đề nhạy cảm hiện nay, đó là đưa thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thoát khỏi bóng ma của chủ nghĩa khủng bố cũng như các vấn nạn biến đổi môi trường toàn cầu.

Sau Nhật Bản, việc bà Clinton đến Indonesia có ý nghĩa quan trọng bởi đây là nước có số người theo Hồi giáo đông nhất thế giới. Nó quyết định chính sách sắp tới của chính phủ Mỹ đối với một vấn đề đang cực kỳ căng thẳng từ di sản để lại của tổng thống Bush đó là chiến dịch chống khủng bố.Thêm vào đó, là mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Hồi giáo Nam Á và Tây Á. Indonesia còn là quốc gia đông dân nhất trong khối các nước ASEAN, đối tác không kém phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương. Bộ trưởng ngoại giao Hasan Wirajuda của Indonesia nhắc lại thời gian khoảng thời gian cách đây bốn mươi năm, khi mà ông Obama còn trong độ tuổi thiếu niên đã sống và học tập tại đây. Theo ông, chính điều này đó giúp cho người dân Indonesia ủng hộ ông Obama và bà Hillary Clinton và có thiện ý đối với Mỹ.

Chuyến viếng thăm của bà Clinton được xem như là xác nhận việc Indonesia trở thành một quốc gia quan trọng trong vùng. Bà Clinton tuyên bố Indonesia, một quốc gia có số dân theo Hồi Giáo đông nhất thế giới đã chứng tỏ 'Hồi Giáo, dân chủ và hiện đại không những có thể sống chung mà còn có thể cùng phát triển'

Bà Clinton cũng nói là bà và Tổng Thống Obama mong muốn xây dựng 'sự hợp tác rộng lớn' với Indonesia để đối phó với những vấn đề khẩn cấp như kinh tế toàn cầu và khí hậu thay đổi.

Bà Clinton đã tới thăm văn phòng Tổng thư ký của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á,  tại đây bà đã nêu lên ý định của Hoa Kỳ là ký một hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị với tổ chức này. Bà Clinton cũng hứa sẽ tham dự hội nghị thường niên về an ninh của ASEAN. Đây cũng là một tín hiệu mới khi so sánh với người tiền nhiệm Condoleeza Rice, trong nhiệm kỳ của mình,bà Rice đã nhiều lần từ chối không tham dự diễn đàn của các nước ASEAN.

Đặt tâm điểm chiến lược là châu Á, trong đó có khối ASEAN , chính phủ của ông Obama đã cho thấy một dấu hiệu. Đó là việc Đông Nam Á ngày càng chứng kiến sự mở rộng hoạt động thương mại của Trung Quốc, điều đó khiến Mỹ phải có cái nhìn mới trong chiến lược dài hạn của mình, để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc “một cách tế nhị và có trách nhiệm”. Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á của Hội đồng Đối ngoại nói rằng chuyến thăm của bà Clinton là “chuyến đi lắng nghe”.

Ở Hà quốc, trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Hàn quốc Yu Myung-Hwan, bà Clinton nói rằng những lời đe dọa của CHDC nhân dân Triều Tiên về vấn đề thử tên lửa tầm xa ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực, bà nói: “… những ngôn từ có tính cách khiêu khích vô ích như họ đã làm không mang lại kết quả gì nhiều.”

Các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã cảnh báo rằng có bằng chứng cho thấy Bắc Triều Tiên đang hoạch định một cuộc phóng thử tên lửa tầm xa, mà trên lý thuyết có thể bắn tới nước Mỹ.

Cuối tuần, bà sẽ thăm Trung quốc trước khi lên đường trở về nước, bà cho biết sẽ không đặt nặng vấn đề nhân quyền như áp lực và hi vọng của một số tổ chức họat động nhân quyền, mà chủ trương trong chuyến đi Trung quốc này là lắng nghe từ người Trung Quốc đâu là ưu tiên của họ trong quan hệ với Mỹ vì như thế Mỹ mới có thể có thể phát triển được quan hệ đối tác với Trung Quốc và châu Á trong việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới, đó là cuộc khủng hỏang kinh tế, vấn đề an ninh và mối đe dọa về biến đổi môi trường tòan cầu.

Trong những chừng mực như thế, chuyến đi này của bà Clinton có lẽ chưa giải quyết vấn đề cụ thể nào trong khu vực, ý nghĩa của chuyến đi đơn giản chỉ là gửi một thông điệp đến châu Á, khu vực mà Mỹ đang nỗ lực để tìm lại vị trí của mình trong chiến lược dài hạn sắp tới.

VanKha