Chờ...

Bình luận: Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đồng hành cùng dân tộc

(VOH) - Cách đây 30 năm, ngày 7/11/1981 tại Tùng Lâm Quán sứ Hà Nội, Ban vận động Thống Nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức hội nghị hợp nhất 9 hệ phái phật giáo VN, trong đó Hội Phật giáo Việt Nam (miền bắc) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (miền Nam) là 2 tổ chức lớn nhất của Phật giáo ở 2 miền, thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là thành viên của ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Đông đảo các vị chư tăng, thành viên Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cùng tề tựu tham dự Lễ khai mạc Đại lễ Phật. Ảnh: Lao động

Hầu hết các vị chức sắc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo ở hai miền đều đảm nhiệm nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 30 năm qua, kế thừa phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo, thực hiện tôn chỉ “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Giáo Hội Phật Giáo VN đã, đang và ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong sự đồng hành cùng dân tộc xây dựng và phát triển đất nước. Việc thống nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam vào trong giáo hội Phật giáo Việt Nam là mong ước, là nguyện vọng của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam và là xu thế tất yếu không thể khác được khi nước nhà đã thống nhất. Các hệ phái Phật giáo tuy vẫn giữ truyền thống, tôn chỉ, mục đích của mình, nhưng trong một quốc gia không thể có 2 giáo hội. Khi nước nhà thống nhất, cơ duyên chín muồi để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm thống nhất các hệ phái trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là nguyện vọng chính đáng, là nguyện vọng tốt đẹp của nhân dân Việt Nam thực hiện phương châm đạo pháp dân tộc, chủ nghĩa xã hội, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Một vài số liệu sau đây đã chứng minh sự phát triển không ngừng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 30 năm qua: Số lượng các chùa chiền, tự viện cả nước, trước năm 1980 chưa đầy 2.000 thì nay đã là 14.775 ngôi, trong đó số lượng xây mới, hơn 2/3 chùa, tự viện niệm Phật đường. Trước đây chỉ có 1 học viện nay đã có 4 học viện phật giáo, số lượng tăng ni tu học trước năm 1981 chỉ có 28.000 người thì nay đã hơn 46.000 người. Đời sống của các tăng ni trong các chùa, tự viện đều được bảo đảm, được tham gia học tập, hội thảo, hội nghị mang tính chất quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được liên hiệp quốc tín nhiệm giao đăng cai đại lễ Phật Đản liên hiệp quốc Phật lịch 2252 hay còn gọi là (Vesak) lần thứ 5 năm 2008 với chủ đề sự đóng góp của Phật giáo xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Một chủ đề trùng khớp như mục tiêu của Đảng: Xây dựng dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Các hoạt động Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ đáp ứng được phần tín ngưỡng cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới hoặc hải đảo, giáo hội còn tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp thăm viếng thuyết giảng tại các Trung tâm Phật giáo ở Châu Âu, hầu hết các nước Phật giáo ở Châu Á. Bạn bè đạo hữu quốc tế thừa nhận giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho tăng ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Song song với nhiệm vụ đạo, giáo hội đã cùng tăng ni Phật tử tích cực tham gia phần đời, như tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động từ thiện, với số tiền đóng góp lên tới nhiều  trăm tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tham gia các phong trào, cuộc vận động do mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động như “ngày vì người nghèo” toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” các công tác phúc lợi xã hội như xây cầu, đắp đường, hiến máu nhân đạo, nước sạch cho vùng sâu… cũng được tăng ni, phật tử hưởng ứng tích cực… Điều gì đã tạo nên thành tích 30 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.  Đó là sự chung sức chung lòng của tín đồ Phật tử Việt Nam chung quanh Giáo Hội Phật Giáo VN thành viên của UBMTTQVN, Giáo Hội duy nhất đại diện cho tăng ni, phật tử VN trong cũng như ngoài nước. Đó là sự ủng hộ chí tình của Đảng và nhà nước Việt Nam thông qua chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.