Bình luận: Khi tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp được đề cao
Quyết định của Hội đồng xét xử loại bỏ tên cầm đầu một băng cướp chuyên chém người cướp tài sản ra khỏi đời sống xã hội là một điều bất ngờ đối với nhiều người, nhưng không phải vì mức án đã tuyên là nặng với bị cáo, mà từ trước tới nay, người ta đã quá quen với những bản án thể hiện sự nương tay của luật pháp. Có không ít vụ án mà khi phiên tòa khép lại với mức án nhẹ bất ngờ đã khiến dư luận xôn xao. Lần này thì khác, bản án tử hình thật nghiêm minh đã xoa dịu được phần nào những bức xúc của dư luận trước nạn cướp giật ngang nhiên lộng hành. Trước khi bị bắt với hành vi man rợ là chém đứt lìa bàn tay của một phụ nữ để cướp tài sản vào đêm 24/11/2012, băng cướp này đã gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người đi đường với thủ đoạn đáng sợ là “chém trước cướp sau”.
![]() |
Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng nhóm chuyên chém người cướp tài sản, vừa được Tòa án nhân dân TPHCM tuyên án tử hình vào ngày 25/12 (ảnh: soha) |
Cùng với bản án tử hình này, gần đây, nhiều bản án tử hình đích đáng khác
được tuyên đã góp phần trấn an dư luận xã hội trước hiện tượng cái xấu, cái ác
đang diễn ra công khai ngày một nhiều. Điển hình là tại phiên tòa phúc thẩm ngày
19/12, Tòa án Nhân dân TPHCM đã y án tử hình đối với Cao Trung Lập, 30 tuổi, ngụ
quận Bình Tân. Tên này đã có hành vi cướp tài sản, khi bị nạn nhân truy đuổi,
hắn đã chống trả đâm nạn nhân tử vong và làm bị thương một cán bộ công an. Cũng
trong ngày 25/12, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Kha
Cư, hơn 40 tuổi, ngụ quận 6. Chỉ vì mâu thuẫn trong chuyện làm ăn mà tên này đã
nhẫn tâm tạt axit làm 2 người tử vong. Một bản án tử hình với tội danh tham
nhũng cũng vừa được tuyên đối với một người từng giữ chức vụ cao trong ngành hàng hải. Trước đó, trong vụ đại án tham nhũng của công ty cho thuê tài chính 2
thuộc Agribank, án tử cũng dành cho 2 quan tham gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng…
Khi tâm lý người dân không yên và bất an về tình hình an ninh trật tự đang đe
dọa đời sống an lành: có chút tài sản là nơm nớp lo sợ trộm cướp; một mâu thuẫn
nhỏ cũng mất ăn mất ngủ vì sợ bị trả thù; Sự bất bình và âu lo trước nạn đục
khoét của công…thì những bản án nghiêm khắc như trên có tác dụng như một đòn
giáng trực tiếp vào cái xấu, cái ác. Với những bản án có tính răn đe như thế, rõ
ràng chúng ta đã tuân thủ và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm khắc
lập lại kỷ cương phép nước.
Pháp luật là để điều chỉnh hành vi của con người, phân định rõ thiện - ác, điều
gì là được làm và không được làm đối với mỗi công dân. Coi thường và sống ngoài
pháp luật là điều không thể tồn tại trong một xã hội văn minh và có tôn ti trật
tự. Đã đến lúc, tiếng nói công lý và sự nghiêm minh của Luật pháp vang lên những
lời đanh thép nhất, đấu tranh trực diện với cái ác, cái xấu, góp sức tích cực
vào việc răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Rồi đây những vụ cộm cán từng gây nhức nhối
trong xã hội sẽ còn tiếp tục được đưa ra ánh sáng. Thêm sự củng cố niềm tin của
dân chúng vào nơi tôn nghiêm của luật pháp, bởi một xã hội phát triển không thể
có chỗ cho cái xấu ngang nhiên tồn tại.
Pháp luật luôn có sự khoan hồng và tạo cơ hội cho những người lầm lỡ phục thiện
và vươn lên. Nhưng không vì thế mà nhân nhượng đối với những kẻ cố tình gieo rắc
mầm ác trong đời sống. Rõ ràng là công cuộc phòng chống và ngăn ngừa tội phạm
vẫn còn nhiều cam go và phức tạp, vậy nhưng từ các phiên tòa này, tin rằng những
nỗ lực từ nhiều phía của ngành chức năng và của toàn xã hội, rồi đây cái xấu sẽ
bị đẩy lùi, nhường chỗ cho cuộc sống an bình và hạnh phúc./.