Bình luận: Loay hoay đi tìm chất lượng của ĐH nước nhà
![]() |
Bộ GD-ĐT đã chủ trương chấn chỉnh cả hệ thống ĐH-CĐ theo hướng sáp nhập các trường không đủ chuẩn thành những trường mạnh. (ảnh minh hoạ: dantri) |
Nguyên nhân chính là do việc tuyển sinh mất cân đối lâu nay đã dẫn tới tình
trạng có những ngành đào tạo ra không tìm được việc làm như sư phạm và tài chính
ngân hàng hiện còn dư thừa hàng chục ngàn lao động trình độ cử nhân, buộc họ
phải làm nghề trái với ngành được đào tạo gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Bên
cạnh đó, tình trạng đầu vào của một số trường khối công lập là quá lớn, trong
khi các trường ĐH khác - nhất là trường ngoài công lập lại không thể tuyển được
sinh viên như mong muốn.
Những động thái vừa kể trên của Bộ GDĐT dù sao cũng là cần thiết bởi không thể
kéo dài mãi tình trạng hoạt động cầm chừng và nguy cơ đóng cửa của không ít
trường ĐH mà cụ thể là các trường ngoài công lập là thấy rõ, do ngày càng đuối
trong khâu tuyển sinh…Đây không phải là lần đầu tiên dư luận đặt vấn đề về chất
lượng giáo dục ĐH ở nước ta nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây khi mà hệ
thống ĐH-CĐ cả nước nở nồi tới mức đáng lo ngại. Có dạo, theo chỉ tiêu 450 sinh
viên trên 10 ngàn dân tính đến năm 2020, nhiều địa phương, nhiều ngành đua nhau
mở trường và có năm hàng chục trường ĐH-CĐ ra đời từ việc thành lập mới hoặc
nâng cấp từ Cao đẳng hoặc trường nghề. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 412
trường ĐH-CĐ. Có ý kiến cho rằng chừng đó trường cho 90 triệu dân thì chưa phải
là quá nhiều, nếu tính theo tỷ lệ của các quốc gia phát triển. Vậy nhưng vấn đề
lại nằm ở chỗ chất lượng giáo dục thực tế của ĐH Việt Nam còn tồn tại nhiều bất
cập. Ngoại trừ một số Trường thuộc ĐHQG Hà Nội, TP.HCM và những trường thuộc
hàng có uy tín của cả nước, thì nhìn chung còn nhiều vấn đề phải bàn thuộc về
chuẩn chất lượng như cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ giảng viên và dĩ nhiên là
cả chất lượng đào tạo…của từng trường là rất khác nhau và có độ chênh lệch lớn.
Vậy nên mới có thực trạng nhiều năm nay khi áp dụng 3 chung trong tuyển sinh có
trường điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng, thì ngược lại có không ít trường lại
thấp đến đáng lo ngại mà vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Thấp tới mức chỉ có 5 tới
7 điểm ở một số trường ngoài công lập song cũng ít thí sinh muốn vào. Thậm chí
mấy mùa thi gần đây các trường còn tung ra các chiêu khuyến mãi để tranh giành
sinh viên đã tạo ra sự bát nháo khó tin ở môi trường giáo dục. Nguyên do là bởi
tấm bằng cử nhân từ những ngôi trường này, trên thực tế là rất khó xin việc.
Thấy được những bất cập vừa nêu, gần đây Bộ GD-ĐT đã chủ trương chấn chỉnh cả hệ
thống ĐH-CĐ theo hướng sáp nhập các trường không đủ chuẩn thành những trường
mạnh và có thể là trong vài năm tới cả nước chỉ còn trên 200 trường. Đồng thời
cũng định hướng để nâng chất toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH-CĐ lên, bởi dù đã
nhiều về số lượng song trên thực tế chưa có trường ĐH nào của Việt Nam xứng tầm
khu vực và cả châu Á. Bên cạnh đó chú trọng tới chất lượng của các trường nghề
hướng đi phù hợp với lớp trẻ trước ngưỡng cửa vào đời hiện nay.
Loay hoay mãi từ chỗ mở rộng theo kiểu đại trà, để rồi tới khi nhận ra những lỗ
hổng và cả khiếm khuyết, hệ thống giáo dục ĐH nước ta lại tính tới chuyện thu
hẹp lại… rõ ràng là đã để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế và cả những hậu
quả nhãn tiền. Không biết tới bao giờ chúng ta mới có nền giáo dục ĐH tiên tiến
đích thực? Câu trả lời vẫn đang còn nằm ở chặng đường xa vời phía trước!