Bình luận: Sự chờ đợi từ một kỳ thi quốc gia

(VOH) - Có thể nói bằng việc chỉ tổ chức một kỳ thi Quốc gia như thế này, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã mạnh dạn đổi mới, vượt qua những hình thức thi cử tồn tại quá nhiều năm và đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên cần phải hiểu là mọi việc không hoàn toàn giản đơn và dễ dàng.

Cuối cùng thì ngay đầu năm học mới này, Bộ GDĐT đã chính thức thông báo về một kỳ thi Quốc gia thay cho 2 kỳ thi truyền thống trước đây là thi tốt nghiệp THPT và thi ĐHCĐ. Kết quả của kỳ thi Quốc gia sẽ là cơ sở để công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào ĐH. Vậy là từ nay chúng ta sẽ chia tay với thi tốt nghiệp PTTH, sẽ không còn chộn rộn và vất vả với kỳ thi ĐH-CĐ. Sẽ không còn khối thi A,B,C,D và 3 chung... cùng với bao nhiêu khê và tốn kém.

Kỳ thi Quốc gia 2015 sẽ được tổ chức vào các ngày 9,10,11 và 12 tháng 6 với những điểm rất mới đáng lưu ý. Thay vì thi tại các trường trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nay thí sinh phải về các cụm thi và Bộ sẽ giao cho các Trường ĐH có đủ năng lực chủ trì coi thi và chấm thi. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ.

Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước thì chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH-CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được chọn môn thi thay thế trong số các môn thi tự chọn và thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT sẽ được miễn thi môn này.

Học sinh lớp 12 trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp - Ảnh: TNO.

Cũng cần nói thêm là trên thực tế hàng năm có khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp THPT không có nhu cầu thi ĐH-CĐ nên Bộ đã chủ trương tách học sinh theo các cụm thi đảm bảo cho sự tự do lựa chọn cụm thi phù hợp với nhu cầu cá nhân tránh việc tốn kém cho thí sinh.

Trên thực tế kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích - nếu có, Sở GDĐT các địa phương sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi này cũng sẽ làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH-CĐ nên Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh và căn cứ theo chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH-CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh sẽ đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng.

Về tính ổn định của kỳ thi Quốc gia này, Bộ GDĐT khẳng định sẽ tổ chức kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, có tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng, câu hỏi mở, không máy móc... và trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức ngoài chương trình phổ thông. Do vậy, những đổi thay trong thi cử tới đây đã được thiết kế phù hợp với chương trình - sách giáo khoa mới.

Có thể nói bằng việc chỉ tổ chức một kỳ thi Quốc gia như thế này, Bộ GDĐT đã mạnh dạn đổi mới, vượt qua những hình thức thi cử tồn tại quá nhiều năm và đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên cần phải hiểu là mọi việc không hoàn toàn giản đơn và dễ dàng.

Để kỳ thi đạt hiệu quả cao thì rất cần sự minh bạch công khai và khách quan từ phía các trường THPT khi cho điểm và đánh giá học sinh lớp 12. Với những thí sinh chỉ có nhu cầu công nhận tốt nghiệp mà không có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH-CĐ liệu rằng các nơi có vì thành tích mà ép thí sinh dự thi tại các cụm thi do Sở GDĐT địa phương mình chủ trì - thay vì thí sinh tự lựa chọn theo nguyện vọng.

Điều đáng quan tâm nữa là để tránh tình trạng quá tải bởi hàng triệu thí sinh dự thi, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu bố trí các cụm thi sao cho phù hợp. Dự kiến, cả nước sẽ có từ 20- 30 cụm thi, thay cho 4 cụm như hiện nay. Ngoại trừ Hà nội và TPHCM có thể nhiều cụm thi hơn do đông thí sinh dự thi hơn.

Vấn đề cuối cùng mà các trường ĐH - nhất là những trường tốp dưới băn khoăn là với chủ trương về ngưỡng tối thiểu - tức điểm sàn trước đây cho từng khối, thì nay Bộ lại quy định cho từng môn thi và nếu ngưỡng đó quá thấp liệu có bị xem là bất thường, còn ngưỡng cao thì có khó khăn cho việc xét tuyển ĐH-CĐ hay không. Do vậy, khả năng Bộ sẽ không ấn định điểm số cụ thể mà căn cứ trên tỷ lệ thí sinh đạt được mức điểm số nhất định.

Việc Bộ GDĐT mạnh dạn đổi mới thi cử bằng việc chỉ tổ chức 1 kỳ thi quốc gia thiết nghĩ là hướng đi cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, giảm phiền hà và tốn kém cho túi tiền của nhiều gia đình và cho ngân sách Nhà nước - theo phương thức thi tuyển trước đây. Có thể ngay từ mùa thi đầu tiên, mọi thứ đều chưa như mong đợi, vậy nhưng rất cần phải làm để rút tỉa kinh nghiệm cho những lần sau. Cứ đi rồi sẽ thành đường. Tin là như vậy.