Bình luận: Tăng học phí- câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ
(VOH) - Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những nội dung được quan tâm và bàn thảo tới nhiều, đó là đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014. Báo cáo với Quốc hội Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ mức tăng học phí bậc ĐH trong năm 2009 thay vì nhảy vọt từ 180.000đ lên 800.000đ sẽ là 255.000đ.
Tăng học phí là nỗi lo của nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh (ảnh: TTO) |
Từ 2010 so với 2009 và những năm trước liền kề sẽ tăng dưới 33%. Đối với các bậc học từ mầm non tới phổ thông, mức học phí cụ thể do HĐND cấp Tỉnh Thành quyết định trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác cho con em đi học, không quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Mức thu này theo cơ quan thẩm tra thuộc Uỷ ban văn hóa-giáo dục- thanh niên- thiếu niên và nhi đồng của QH là chưa thuyết phục và chưa nhận được sự đồng thuận, bởi hiện nay mức sống và thu nhập của người dân ở các vùng miền là quá cách xa nhau. Uỷ ban này đề nghị mức tăng không vượt quá 5% là vừa phải để giảm bớt phần đóng góp của dân và tạo điều kiện chủ động cho các địa phương và mức tăng nói trên cần có lộ trình- nhất là ngành học mầm non và các bậc học phổ thông.
Khi đưa đề án này ra thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu lo ngại và cho rằng về thực chất đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục chính là đề án tăng học phí. Và như vậy thì sau khi việc tăng học phí được thực hiện thì Chính phủ có tiếp tục chi ngân sách 20% cho giáo dục nữa hay không? Liệu có còn tiếp tục xảy ra tình trạng lãng phí trong việc sử dụng ngân sách dành cho GDĐT nữa hay không và hiệu quả đầu tư có được nâng lên như mong đợi của xã hội? Cần lưu ý thêm là trong nhiều năm qua, Nhà nước đã rất quan tâm tới ngành giáo dục và vì thế đầu tư không ngừng tăng lên. Trong vòng 20 năm, từ 1990 đến 2008, đầu tư ngân sách cho giáo dục tăng 40 lần và năm 2008 là 4,7 tỷ đô la, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng gấp 3 lần. Có nhiều đại biểu Quốc hội lại cho rằng Bộ GDĐT cần nghiên cứu xây dựng đề án theo hướng miễn học phí cho bậc phổ thông và đầu tư nhiều cho giáo dục công lập và ngành cũng cần công khai minh bạch trong các khoản đóng góp. Tựu trung lại các đại biểu của dân cho rằng, toàn xã hội đã và sẽ tiếp tục thắt lưng buộc bụng cho giáo dục và mong muốn sẽ nhận được kết quả tương xứng.
Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận giải thích, hiện nay ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục vẫn chiếm phần lớn và học phí chỉ bù đắp một phần việc trả lương cho giáo viên mà thôi. Vị Thứ trưởng cũng không dám chắc là sau khi tăng học phí thì chất lượng giáo dục có tăng theo hay không, bởi việc này Bộ không dám hứa vì phải làm từ từ và phải có quá trình lâu dài… Câu chuyện tăng học phí và chất lượng giáo dục vẫn chưa tới hồi kết và ngày 9/6 tới đây, Quốc hội sẽ quay trở lại để bàn về vấn đề hết sức thời sự này. Thiết nghĩ, nội dung của đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục cần đề cập rõ tới việc phân bổ và sử dụng ngân sách hàng năm Nhà nước chi cho GDĐT sao cho không lãng phí và có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc tăng học phí để có cơ sở nâng cao chất lương đào tạo là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu là hợp lý và sử dụng nguồn thu đó như thế nào cho đúng là điều mà xã hội đang mong đợi, bởi vì bất cứ công cuộc phát triển nào cũng phải có sự đầu tư thỏa đáng và hơn thế, các khoản thu học phí hiện nay đã không còn phù hợp nữa rồi.
Việt Anh