028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Bình luận: Tình người sau giông bão

(VOH) - Chỉ trong vòng nửa tháng, đồng bào miền Trung phải oằn mình hứng chịu hai cơn bão lớn. Tình đồng nghiệp, tình người trong bão lũ đã trở thành sức mạnh đoàn kết chống lại thiên tai, nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ để nhanh chóng đưa cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường. <br>
Người dân Miền Trung gặp rất nhiều khó khăn sau 2 cơn bão số 10 và 11 vừa qua.
 
Trên dải đất hình chữ S, từ bao đời nay miền Trung thường xuyên phải gánh chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Mỗi năm cả chục cơn bão lớn nhỏ đổ bộ từ biển Đông tràn vào nước ta, phần nhiều trong số đó đã hoành hành nơi khúc ruột miền Trung. Sống chung với bão lũ bao đời, người dân nơi đây nhẫn nại và cam chịu và phải thường xuyên chống chọi với thiên nhiên để mà tồn tại. 

Hậu quả nặng nề của cơn bão số 10 chưa khắc phục xong, mọi thứ còn đang ngổn ngang thì cơn bão số 11 lại lạnh lùng ập đến với sức tàn phá quá ghê gớm. Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ và sự của chịu đựng của con người có lúc tưởng chừng như đã cùng kiệt. Bão đi qua đã làm 32 người chết, gần 1000 ngôi nhà bị sập, hơn 30.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Cơn bão còn cướp đi kế sinh nhai của biết bao người, khi hàng ngàn hécta lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị tàn phá, mất trắng. Không ít gia đình, khi bão dữ qua đi chỉ còn lại nền nhà sâu hoắm, của cải chắt chiu gầy dựng cả đời đã theo nước lũ trôi đi. Ai đã từng đến miền Trung trong những ngày mưa lũ mới thấm thía hết nỗi tiêu điều và xác xơ của vùng đất này. Giữa trời nước mênh mông là những phận người thiếu ăn, thiếu mặc trong cảnh màn trời chiếu đất. Dưới màn mưa dày, trắng xóa trong vùng bị nước lũ chia cắt, những mẩu lương khô, những gói mì tôm được chuyển đến tay người dân kịp lúc đã tiếp sức cho biết bao người.

Như một mệnh lệnh từ trái tim, mỗi khi miền Trung bị thiên tai bão lũ thì từ khắp nơi, hoạt động cứu trợ được tổ chức kịp thời. Mặc cho bão chưa tan, lũ chưa dứt vẫn không ngăn được những bước chân thiện nguyện của đồng bào từ các vùng miền Tổ quốc. Những ngày này, khắp các làng - xã - thôn - ấp miền Trung, là hình ảnh của các đoàn xe cứu trợ ngược xuôi. Mỗi đồng tiền, mỗi gói mì tôm, mỗi bao gạo cứu trợ và từng tấm tôn hay bao xi măng, viên gạch đều chan chứa nghĩa tình của người dân cả nước dành cho đồng bào ruột thịt miền Trung. Trong hai tuần liên tiếp, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần đến với miền Trung, mang theo những đồng tiền, những món quà tình nghĩa do thính giả ủng hộ qua chương trình phát thanh thực tế Sát cánh cùng gia đình Việt. Số tiền hơn 400 triệu đồng mà Đài mang đến tuy không nhiều so với những tổn thất mà đồng bào nơi đây đang gánh chịu, nhưng đó là tất cả sự sẻ chia thắm đượm nghĩa tình, bởi trong đó có cả phần đóng góp của những em học sinh nhịn ăn quà vặt, có cả những giọt mồ hôi của những người dân lao động mà với họ, miếng cơm manh áo vốn phải chạy từng bữa, từng ngày.

Quý biết bao hàng triệu tấm lòng vàng đang đến với dải đất miền Trung đang nguy khó. Người dân cả nước không ai bảo ai đều xem việc cứu trợ bà con vùng bão lũ là trách nhiệm của mỗi người. Các đợt phát động ủng hộ đồng bào miền Trung đều nhanh chóng nhận được sự góp sức nhiệt tình của đồng bào, chiến sĩ cả nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM tính đến chiều 19/10 đã có gần 800 tập thể, cá nhân ủng hộ với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng.

Nói làm sao hết những nghĩa cử quên mình cứu dân trong bão lũ, kể làm sao hết những tấm lòng thơm thảo của đồng bào cả nước dành cho miền Trung thương yêu. Mỗi mùa bão lũ đi qua càng thắp sáng lên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vốn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Giữa bộn bề lo toan, mọi sự sẻ chia về tinh thần và vật chất của người dân cả nước hướng về miền Trung đã làm ấm lên tình người sau giông bão. 

Thoại Diễm
;