Cả hai bên ủng hộ và phản đối đều có những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ lập trường của mình. Mỹ dù đi tiên phong trong việc từ bỏ độc quyền sáng chế vaccine, nhưng quốc gia này cũng đã gặp phải không ít thách thức.
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây bày tỏ sự ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ sáng chế đối với vaccine Covid-19 đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia trên thế giới. Động thái này của Mỹ được xem là đã gỡ một nút thắt khá quan trọng trong cuộc tranh cãi chưa đi đến hồi kết về việc bỏ độc quyền sáng chế vaccine Covid-19, bởi nó sẽ thúc đẩy những nước khác “nghiêng” theo lập trường này của Mỹ.
Cần nhắc lại rằng, đề xuất này đã được Ấn Độ và Nam Phi khởi xướng từ tháng 10 năm ngoái, khi yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) miễn áp dụng Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Đã có hơn 100 quốc gia đang phát triển tỏ ý ủng hộ đề xuất này, song nhiều nước giàu và các hãng dược phẩm lớn thì lại kịch liệt phản đối. Bên nào cũng có lý lẽ của mình. Phe ủng hộ thì cho rằng, việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Điều đó sẽ giúp tăng sản lượng vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng, với chi phí rẻ hơn, qua đó giúp các nước nghèo, vốn đang chật vật trong tiếp cận vaccine, sẽ sớm có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, phe phản đối lại cho rằng, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách đúng đắn để đẩy mạnh sản lượng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 bởi tình trạng thiếu vaccine một phần xuất phát từ năng lực tài chính và năng lực y tế. Ngoài ra, một số ý kiến phản đối còn cho rằng, việc tước đi quyền sở hữu trí tuệ từ các nhà sản xuất vaccine sẽ giống như hành động “nẫng tay trên” và không khuyến khích được những khoản đầu tư nghiên cứu vaccine tương tự trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ mới đây công bố ý định từ bỏ độc quyền sáng chế vaccine COVID19 được cho là một bước đi đột phá trong bối cảnh việc nhập khẩu vaccine luôn là một bài toán khó đối với các quốc gia. Phát biểu hôm 5/5 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định này, đại diện Thương mại Mỹ bà Catherine Tai nêu rõ: "Chính quyền Hoa Kỳ rất tin tưởng vào việc phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch lần này, Washington ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ các phát minh, sáng chế liên quan đến Covid-19" .
Trên thực tế, việc đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ, quốc gia sáng chế ra hai loại vaccine đầu tiên ngừa virus corona vaccine của Pfizer và Moderna, và cũng là nhà cung cấp tài chính chủ yếu cho công tác nghiên cứu. Thế nhưng, chính Tổ Chức Thương Mại Thế Giới lại là định chế đề ra các cách thức đình chỉ quyền bảo hộ vaccine. Chính quyền Mỹ hiện cũng đã hứa hẹn tác động tới Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để có thể đạt được mục đích này.
Tuy vậy, có quan điểm lại cho rằng việc đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc phần lớn vào vào ngành công nghiệp dược phẩm. Hôm thứ ba tuần trước, Chủ tịch - Tổng giám đốc của tập đoàn Pfizer đã nói: "Chia sẻ các bằng sáng chế sẽ là một sai lầm. Bởi ông này cho rằng bằng sáng chế chính là công cụ để bảo đảm nguồn tài chính cho công tác nghiên cứu điều chế vaccine".
Với những lý lẽ như thế, thật khó để nói rằng ai đúng - ai sai trong cuộc tranh cãi về vấn đề bảo hộ vaccine Covid-19. Phải luôn giữ nguyên tắc công bằng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay cần thay đổi nó trong hoàn cảnh đặc biệt? Phải ưu tiên mục đích trước mắt là đẩy mạnh sản xuất vaccine Covid-19 trên toàn cầu hay cần tính tới những phương án lâu dài để vẫn đảm bảo yếu tố thu hút đầu tư? Đây đều là những câu hỏi không dễ trả lời.
Sẽ là quá muộn nếu cộng đồng quốc tế cứ bận tranh cãi mà không hành động. Ai cũng hiểu rằng, vaccine Covid-19- chìa khóa miễn dịch toàn cầu- là thành quả của những nhà khoa học và các công ty đầu tư cho nó. Thậm chí, còn là yếu tố không kém phần quan trọng trong cuộc đua giành vị thế chính trị giữa các quốc gia trong tình thế nguy cấp hiện nay. Đối với những quốc gia và những công ty đang nắm giữ vaccine Covid-19, việc từ bỏ lợi ích chắc chắn là không dễ dàng. Song hơn lúc nào hết, các bên cần một sự thỏa hiệp để đem đến những lợi ích to lớn hơn cho người dân.
Trong bối cảnh biến chủng virus Covid-19 phát hiện ở Ấn Độ, B.1.617, được xếp vào loại "đáng lo ngại" toàn cầu, là nguyên nhân gây bùng nổ dịch Covid ở Ấn Độ hiện nay, việc các nước dàn xếp được với nhau về việc chia sẻ quyền bào chế vaccine sẽ là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine. Vì thế, giới phân tích nhận định Tổ chức Thương mại Thế giới cần phát huy vai trò của mình, “cầm trịch” trong đối thoại nhằm đưa ra giải pháp để các bên có thể chấp nhận được. Sau khi Mỹ “đảo chiều” quan điểm, trở thành nước ủng hộ việc chia sẻ bằng sáng chế vaccine Covid-19, dư luận đang hy vọng, nhiều nước khác cũng sẽ cân nhắc lại lập trường của mình, để đi đến một thỏa thuận toàn cầu về dỡ bỏ độc quyền sản xuất vaccine Covid-19, ít nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng như hiện nay.