Thông tin về các hoạt động tình nguyện hè năm 2014 của Thành đoàn TPHCM cho biết: số lượng các chiến sĩ đăng ký tham gia các chiến dịch tăng theo từng năm. Năm 2014, con số này đã lên tới gần 200.000 người, từ học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân đến cán bộ, giáo viên, y bác sĩ trẻ… Họ đến với các chiến dịch bằng trách nhiệm của người trẻ muốn đem tinh thần, sức trẻ giúp ích cho đời bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đội xe ôm tình nguyện của chương trình tiếp sức mùa thi 2014 tại Huế. (ảnh: daiduong) |
Các chiến dịch mang ý nghĩa xã hội lớn lao là vậy, thế nhưng vẫn còn một
bộ phận người dân vẫn chưa biết đến, hoặc chưa có đầy đủ thông tin nên đã xảy ra
những trường hợp đáng tiếc. Câu chuyện của bạn Phan Ngọc Quà - sinh viên năm
cuối, Đại học Huế - tình nguyện viên tiếp sức mùa thi 2014 suýt bị đâm bởi tài
xế xe ôm hung hãn, là một câu chuyện vừa đáng buồn, vừa khiến chúng ta vô cùng
lo lắng. Chỉ vì sợ bị các tình nguyện viên giật mất mối xe ôm mà người tài xế
này đã dùng dao tấn công sinh viên tình nguyện. Nếu nam sinh viên nói trên không
nhanh chân tránh được cú đâm hiểm hóc và tri hô lên cho mọi người xung quanh
giúp sức, thì hậu quả thật khó lường. Sự việc sau đó đã được Tỉnh đoàn và
Công an vào cuộc giải quyết, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không có biện pháp ngăn chặn những sự cố tương tự ngay từ đầu? Và
rộng hơn nữa, liệu tổ chức Đoàn - Hội khi triển khai các chiến dịch có lường
trước sự cố bất lợi sẽ xảy đến cho chiến sĩ tình nguyện không? Rồi khi xảy ra sự cố thì ai sẽ là người bảo vệ các chiến sĩ
trước những nguy hiểm liên quan đến tính mạng? Quả thật, đây là điều mà
nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh có con em trực tiếp tham gia
làm tình nguyện viên trong các chiến dịch quan tâm, chia sẻ trên các
diễn đàn xã hội trong những ngày qua.
Chúng ta đều biết mỗi mùa chiến dịch tình nguyện đi qua, xã hội ta lại
đón nhận thêm nhiều tấm lòng, nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng tham gia
giúp đỡ, hỗ trợ các chiến sĩ tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ. Những con
người với việc làm thầm lặng mà cao đẹp đó cứ tăng dần, tăng dần theo
thời gian, họ làm vì cái tâm, vì tình người mà không cần ai phải
biết đến để tung hô. Riêng đối với hành động côn đồ của tài xế xe ôm
nọ, có thể khẳng định đây chỉ là số ít trong xã hội. Chúng ta có
thể cảm thông vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo đôi khi con
người ta không làm chủ được lý trí của bản thân, nhưng cách hành xử
côn đồ như vậy thì thật là điều đáng lên án và cần có biện pháp chế
tài thật mạnh để ngăn chặn vụ việc tương tự về sau. Thiết nghĩ, bên
cạnh những quy định chung đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các
chiến sĩ tình nguyện, như: cấm tắm sông, suối, kênh rạch, chèo thuyền, lái
thuyền, đùa nghịch dưới nước, bởi đã có không ít tai nạn chết người do đuối nước
xảy ra; nghiêm túc chấp hành luật lệ An toàn giao thông; không được đi công tác
một mình, nhất là vào ban đêm… thì Thành đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên cần
tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia các
hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ; chủ động trong công tác phối hợp
với các lực lượng chức năng tại địa phương, đơn vị có chiến dịch đi
qua để xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời khi có vụ việc bất trắc
xảy ra; tổ chức các lớp trang bị kỹ năng giao tiếp, phòng vệ, kỹ năng
xử lý tình huống… cho các chiến sĩ. Về phía chiến sĩ tình nguyện
cũng cần nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức cảnh giác để có thể tự
bảo vệ bản thân khi gặp sự cố.
Việc tình nguyện tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng đã là
một việc làm hết sức ý nghĩa, đáng trân trọng của tuổi trẻ. Để
tinh thần, nhiệt huyết, sức trẻ được phát huy một cách hiệu quả nhất
thì cần lắm sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội. Có như vậy, mới
tạo được sự an tâm cho các chiến sĩ tình nguyện cũng như với người thân,
gia đình chiến sĩ. Làm được điều đó, các chiến dịch tình nguyện mới
thật sự ý nghĩa, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân TPHCM và
cả nước.