Chuyến đi chia tay nhưng vẫn nhiều duyên nợ của Thủ tướng Đức

(VOH) - Hôm 15/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.

Dù diễn ra trong bối cảnh bà Merkel chỉ còn 2 tháng nữa sẽ nghỉ hưu, nhưng với uy tín của bà Merkel, chuyến thăm được cho nhằm "tái khởi động" quan hệ song phương sau giai đoạn băng giá thời chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời xúc tiến một số hợp đồng thương mại mới giữa 2 nước Mỹ và Đức.

Chuyến đi chia tay nhưng vẫn nhiều duyên nợ của Thủ tướng Đức 1

Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng

Theo chương trình nghị sự, Thủ tướng Merkel có cuộc gặp với Phó Tổng thống Kamala Harris để thảo luận về quan hệ song phương, sau đó bà dự cuộc thảo luận với đại diện giới doanh nghiệp Mỹ, đón nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Johns Hopkins. Tuy nhiên, trọng tâm nghị sự trong ngày 15/7 là cuộc thảo luận với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng.

Trong khi Thủ tướng Merkel tới Washington, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Michigan nhằm tìm kiếm sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, cụ thể là cải thiện chuỗi cung ứng và mở rộng năng lực sản xuất nhiều loại vaccine chất lượng cao hơn trên thế giới. Phát biểu trước khi lên đường tới Mỹ, Ngoại trưởng Maas cảnh báo nếu không có sự đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vacicne thì Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng cần bị đánh bại. Sau Michigan, ông Maas sẽ tới New York để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Libya.

Người phát ngôn chính phủ Đức cho biết, trong một bài phát biểu về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hồi tháng 5/2021, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức, chia sẻ nhiều nhất giá trị và lợi ích với Đức. Bà Merkel cũng cho rằng, ngoài các cuộc tiếp xúc chính trị, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương cần được phát triển rộng rãi nhất có thể, đặc biệt về kinh tế và giao lưu nhân dân, nhất là với giới trẻ. Về phần mình, trong một thông báo mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki xác nhận chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Đức sẽ góp phần củng cố mối quan hệ sâu sắc và bền vững giữa Mỹ và Đức, trong đó hai bên sẽ hướng tới các vấn đề tương lai cũng như thảo luận về một số vấn đề như Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2); quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Trong chuyến thăm Đức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã khẳng định, trên thế giới, Mỹ không có đối tác nào tốt hơn Đức đồng thời đề cao sự hợp tác giữa Đức và Mỹ trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

Với chủ trương hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh thân thiết ở châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ song phương Mỹ - Đức cũng như Mỹ - châu Âu đã “ấm” hơn rất nhiều so với 4 năm trước.

Chuyến thăm cuối cùng tới Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ của bà Merkel là cơ hội để vun đắp mối quan hệ song phương cũng như củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, điều mà cả Mỹ và Đức đều đang hướng đến. Tuy  nhiên, việc khôi phục quan hệ Mỹ-Đức như trước đây không phải là không có những thách thức. Mỹ đang kêu gọi Đức tăng chi tiêu quốc phòng cao hơn nữa để phù hợp với mục tiêu 2% GDP (mức NATO đặt ra cho các thành viên), đóng vai trò chủ động hơn trong các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và thể hiện sự sẵn sàng tham gia hoạt động quân sự.

Mối quan hệ Mỹ-Đức cũng trở nên căng thẳng do dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, hiện nay gần như hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động. Đối với Đức, đường ống này chỉ là một phương tiện làm ăn với Nga, không hơn không kém. Tuy nhiên, phía Mỹ, cả chính quyền hiện nay cũng như chính quyền tiền nhiệm đều lo ngại Dự án dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến Đức và châu Âu phụ thuộc vào Nga, đồng thời làm suy yếu quốc gia trung chuyển khí đốt như Ukraine.

Một vấn đề nữa giữa Đức và Mỹ là cách tiếp cận trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bản thân bà Merkel mới đây thẳng thắn chỉ ra rằng “chính sách của châu Âu đối với Trung Quốc sẽ không giống Mỹ”. Bà Merkel là người đã khởi xướng việc ký kết Hiệp định Đầu tư EU-Trung Quốc và cũng là nhà lãnh đạo EU “khá ưu ái” Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ nỗ lực gây dựng sự thống nhất của phương Tây nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh mang nhiều ý nghĩa lần này, có vẻ như cả hai bên đều đang cố gắng hết sức để hạ thấp sự khác biệt, đồng thời tiệm cận với những quan điểm chung.

Thời gian gần đây, Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Đức tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, làm dấy lên hy vọng sẽ có một thỏa thuận được tất cả các bên chấp nhận được,trong chuyến đi của bà Merkel lần này. Các vấn đề nhỏ hơn, chẳng hạn như Mỹ có thể sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại với châu Âu cũng có thể đạt được nhân cuộc gặp thượng đỉnh. Nói cách khác, trong cuộc gặp mang ý nghĩa “chia tay”, dư luận sẽ chứng kiến rất nhiều lời hoa mỹ về quan hệ Mỹ - Đức. 

Việc Tống thống Biden mời Thủ tướng Đức Merkel là nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Âu thăm Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden hoàn toàn phù hợp với những bước đi trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Dù không có tuyên bố chính thức nào nhưng rõ ràng những hoạt động ngoại giao vừa qua cho thấy chính quyền Tổng thống Biden lựa chọn xây dựng trục Mỹ - Đức để đưa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hồi sinh trở lại. Trong khi đó, Đức là nền kinh tế lớn nhất trong EU, với vai trò và tiếng nói dẫn dắt trong khối có thể đem lại nhiều hợp đồng thương mại mới cho các doanh nghiệp Mỹ.