Chờ...

Để hiểm họa tai nạn, cháy nổ không còn chực chờ

(VOH)- Những ngày cuối tháng 3, ngay trước, trong và sau Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ 2016, những vụ tai nạn lao động lại xảy ra liên tiếp, gây ra hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ nổ gây thương vong hơn 10 người, phá hủy nhiều nhà cửa, và tài sản do cưa phá vật liệu nổ tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), thì sau đó liên tiếp những vụ cháy với mức độ nghiêm trọng không kém đã xảy ra.

Gần đây là vào sáng 29/3, xảy ra vụ nổ lò hơi tại Cty Shijar ở Bình Dương khiến 2 người tử vong, nhà xưởng đổ sập tan hoang. Trước đó, cháy nhà máy của Cty Gạch men Viglacera Thăng Long ở Vĩnh Phúc hôm 20/3, cháy kho nông sản ở Gia Lai kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ hôm 22/3, cháy xưởng chế biến gỗ ở quận Bình Tân, TPHCM hôm 24/3. 

Những vụ việc này một lần nữa được báo động đỏ về hiểm họa cháy nổ đang chực chờ hàng ngày, hàng giờ, đe dọa cuộc sống của người dân, gây ra thiệt hại về người và của cực kỳ nghiêm trọng.

Hiện trường vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) chiều 19/3. Ảnh: NLĐ

Theo các cơ quan chức năng rong năm 2015, cả nước đã xảy ra hơn 7.600 vụ tai nạn lao động làm gần 7.800 người bị nạn. Trong đó, 666 người chết, hơn 1.700 người bị thương. Cả nước cũng xảy ra gần 2.800 vụ cháy làm chết hơn 60 người, bị thương hàng trăm người, thiệt hại tài sản xấp xỉ 1.500 tỷ đồng và hơn 1.600 ha rừng. Đó là chưa tính đến hàng chục vụ nổ rải rác gây thương vong hơn 50 người. Riêng TPHCM có hơn 1.000 vụ cháy lớn nhỏ mỗi năm, khiến hàng chục người thiệt mạng và tổn hại về vật chất là rất lớn.

Những con số mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng giật mình. Không giật mình sao được bởi theo nhận định, những thiệt hại về người của các vụ tai nạn lao động, cháy nổ có lẽ chỉ sau tai nạn giao thông. Còn thiệt hại về kinh tế thì lớn hơn nhiều.

Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, giám sát an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa có dấu hiệu kéo giảm, hiểm họa cháy nổ trong khu dân cư lẫn khu công nghiệp vẫn rất nặng nề và phức tạp.

Nguyên nhân của thực trạng này là không mới và được lặp đi lặp rất nhiều lần. Đó là ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ của người dân lẫn doanh nghiệp vẫn bị xem nhẹ, thậm chí là buông lỏng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các chung cư cao tầng đua nhau mọc lên nhưng công tác phòng cháy chữa cháy đang có quá nhiều bất cập.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp còn quá lơ là việc thanh tra, điển hình là vụ cưa phá vật liệu nổ ở Hà Đông. Một kho phế liệu với không ít vật liệu nổ nằm trong khu dân cư Văn Phú mấy năm trời mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý, chỉ khi chuyện đã rồi thì mới vội vàng tổ chức thanh tra, kiểm tra thì đã muộn.

Nếu thực hiện một cuộc tổng rà soát trên phạm vi cả nước sẽ dễ dàng phát hiện không ít những kho phế liệu tiềm tàng những quả bom nổ chậm như thế. Đó là chưa kể những cửa hàng gas, khí nén, xăng dầu - loại hình kinh doanh có quy định nghiêm ngặt về phòng, chống cháy nổ, vẫn nằm rải rác xen lẫn trong nhiều khu dân cư, trường học, mang theo nhiều nỗi bất an cho người dân.

Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm nào cũng được phát động rầm rộ. Thế nhưng, việc để xảy ra nhiều vụ việc thương tâm vừa nêu cho thấy hiệu quả tác động chưa cao. Do vậy, để tạo sự biến chuyển rõ nét trong nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp về vấn đề này đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp không chấp hành các quy định, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể buông lỏng, xem nhẹ công tác quản lý.

Và quan trọng hơn cả là tăng cường tuyên truyền cho người dân, hiểu được việc tuân thủ các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy là bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình trước tiên, rồi mới đến cộng đồng xã hội. Hãy hành động đừng dừng ở các khẩu hiệu suông.