Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mấy lời để lại

(VOH) - Tâm huyết cả cuộc đời, Bác dồn hết vào từng con chữ, Bác viết về Đảng, về Đoàn Thanh niên, viết về mọi việc của đất nước...

Năm 1965, khi đồng bào và chiến sĩ cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chúc thọ 75 tuổi của Bác, cũng là lúc Bác bắt tay vào viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.

“Tuyệt đối bí mật” được Bác chấp bút ở tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (người thọ 70, xưa nay hiếm). Bác “Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp sinh nhật mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình...”, mỗi ngày Bác dành từ một đến hai tiếng để viết và đã hoàn thành bản thảo gồm 3 trang, do chính Bác tự tay đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965.

Đây cũng chính là bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, mỗi năm, cũng vào tháng đẹp nhất, ngày đẹp nhất và vào giờ sáng suốt nhất (9 đến 10 giờ sáng), Di chúc lại được Bác đem ra xem lại, bút tích Bác sửa chữa trên từng từ, từng câu vô cùng cẩn trọng. Tâm huyết cả cuộc đời, Bác dồn hết vào từng con chữ, Bác viết về Đảng, về Đoàn Thanh niên, viết về mọi việc của đất nước...

Việc làm này kéo dài 5 năm, không những thể hiện tinh thần trách nhiệm của Người trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà đó còn là tấm lòng của vị lãnh tụ với tương lai đất nước, với bản Di chúc thiêng liêng sẽ để lại cho muôn đời con cháu mai sau. Và Di chúc của Bác đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho Đảng, cho toàn dân tộc.

Báo Người quan sát của Iraq viết: Trong những ngày tang lễ của Bác tại Quảng trường Ba Đình, hàng chục triệu đồng bào Việt Nam và nhân dân thế giới đã tuôn trào nước mắt, xót xa, thương tiếc và kính phục vị lãnh tụ vĩ đại khi nghe đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, thay mặt cho Đảng, Chính phủ đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với giọng nghẹn ngào đau đớn mà hào sảng.

Nhắc lại những ký ức về Người, “không phải để than khóc trước việc Người từ trần, mà để ca ngợi cuộc sống của Người, như một thiên anh hùng ca của một trong những vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ này. Cùng với toàn thể loài người tiến bộ, lịch sử sẽ mãi mãi tưởng nhớ đến Bác Hồ”.

Cũng theo Báo Người quan sát của Iraq, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và phẩm chất cao quý của Người, ấy vậy mà Bác chỉ viết “tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

Bác viết Di chúc như một sự chủ động chuẩn bị cho việc ra đi mãi mãi của mình, viết để khi Bác ra đi, mọi người “khỏi cảm thấy đột ngột”. Bác là thế, làm việc gì cũng nghĩ đến người khác, nghĩ đến dân tộc, “là một người hiền hậu và đáng yêu nhất”.

Để lại mấy lời, nhưng Bác đã cẩn thận viết trong 5 năm trời, có lúc Bác viết, Bác sửa nhiều, có lúc Bác sửa ít, có lúc Bác chỉ thêm 1 dòng... nhưng thật cẩn thận, thật cẩn trọng và thật sự cân nhắc từng từ, từng câu, từng nội dung của để lại mấy lời, mà không thiếu việc gì. Để lại mấy lời, mà Người đã chọn lúc sáng suốt nhất là vào thời gian 9 đến 10 giờ buổi sáng; những ngày đẹp nhất của cuộc đời, là dịp sinh nhật mình, để để lại mấy lời.

Để lại mấy lời, nhưng Bác viết về mọi việc của đất nước: “Trước hết nói về Đảng”, bởi Bác biết sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân chỉ có Đảng lãnh đạo mới thực hiện được.

Với Bác, Đảng là dân tộc, dân tộc là Đảng. Bác đã chỉ ra vấn đề Bác quan tâm đầu tiên là vấn đề đoàn kết, Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Từ đó, Bác nêu lên “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” là “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” nhưng “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” và vấn đề “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, nhiệm vụ của “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”,…

Thực hiện Di chúc của Bác, ngày nay Đảng ta đã triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Năm 2006, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 về “Tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn đặt niềm tin mãnh liệt vào thanh niên, luôn dành cho thế hệ trẻ tình cảm thân thương, sự chăm sóc, dạy bảo ân cần. Trong Di chúc Bác để lại mấy lời nhằm lưu ý việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là đoàn viên và thanh niên.

Bác yêu cầu: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Đền đáp công ơn trời biển và tình cảm sâu nặng của Người, tuổi trẻ Việt Nam luôn nguyện ước thực hiện tốt nhất lời Bác dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Các tổ chức Đoàn Thanh niên trên cả nước sáng tạo hàng trăm mô hình, cách thức học và làm theo lời Bác vô cùng ý nghĩa, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Họ đã và đang khắc họa hình ảnh thanh niên thời kỳ mới, nêu cao lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, dám xông pha vào những hoàn cảnh khốn khó để cống hiến cho đất nước, xã hội nhằm xây dựng lớp thanh niên theo tiêu chí: “Bản lĩnh, yêu nước, tri thức, sức khỏe, sáng tạo, tình nguyện”.

Chỉ có để lại mấy lời thôi mà Bác dặn dò, lo lắng, bao quát hết mọi công việc của Đảng và đất nước, quan tâm đến mọi thành phần trong xã hội.

Để lại mấy lời thôi nhưng Bác không quên quan tâm đến cả “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.

Bác là thế, gọi là Di chúc, nhưng những gì được gọi là “việc riêng” Bác chỉ gói gọn trong 78 chữ. Tuy được Bác gọi là “việc riêng”, nhưng dường như, bất cứ ai soi vào cũng thấy việc Bác nói liên quan đến cả mình, là việc chung của đất nước, của dân tộc.

Để lại mấy lời là bản tổng kết thực tiễn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và phương hướng phát triển của dân tộc, kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra đều là kết quả của sự suy ngẫm, chắt lọc sâu sắc tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Người.

Để lại mấy lời, nhưng 50 năm đã qua, những dòng Bác để lại vẫn mang đậm tính thời sự, vẫn có sức sống mãnh liệt. Để lại mấy lời nhưng là di sản vô giá của chúng ta, là tâm tình Bác để lại, mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải học nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa để làm được đúng đắn và đầy đủ nhất những lời dặn dò của Bác trong mấy lời để lại.

Không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau Di chúc của Bác Hồ vẫn là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho mọi người, mọi thời đại trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

“HỒ CHỦ TỊCH đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.