Để đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ, thời gian qua các quận, huyện, sở ban ngành của Thành phố đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan quản lý giảm tải, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn, đồng thời góp phần giúp Thành phố thực hiện tốt cải cách hành chính, đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho người dân.
Chưa nhiều người dân biết tới dịch vụ công trực tuyến (Ảnh chụp màn hình trang dịch vụ công của TPHCM)
Trong khi đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm thủ tục, đặc biệt tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà… từ cán bộ công quyền.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai cho 24 quận huyện là 300 thủ tục tập trung vào nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch.
Tuy nhiên, tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông tin qua dịch vụ công trực tuyến trên các nhóm đều chỉ đạt 1%, có sở ngành tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ chiếm 1%, thậm chí 0% trên tổng số hồ sơ nộp như: Sở Văn hóa - Thể thao; Sở Y tế; Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Khó khăn hiện nay là tình trạng nghẽn mạng, các thao tác thực hiện văn bản trực tuyến còn phức tạp khiến người dân vẫn chưa “mặn mà” khi sử dụng.
Nguyên nhân của tình trạng này là một bộ phận cư dân là người lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa không có máy vi tính, không biết sử dụng Internet. Ngoài ra, tại quận huyện ngoại thành, vùng ven, hệ thống mạng đôi khi còn gặp trục trặc khi truyền tải dữ liệu nên việc đăng ký hay cập nhật khó khăn.
Đó là chưa kể đến tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cho nên nhiều người vẫn chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, phát triển dịch vụ công trực tuyến là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước và là một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính của thành phố. Nếu áp dụng hiệu quả, dịch vụ công trực tuyến sẽ đem lại sự thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong giao dịch giữa công dân với chính quyền.
Để dịch vụ công trực tuyến phát triển, các đơn vị cần chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, điều quan trọng cần thực hiện đó là tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân việc sử dụng dịch vụ công, từ đó tạo thói quen cho người dân và doanh nghiệp khi khi đến làm thủ tục hành chính.
Đây cũng là mong đợi của chính quyền và người dân để đẩy mạnh cải cách hành chính tiến tới xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian không xa.