Người dân, doanh nghiệp chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, có 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được triển khai cho 24 quận huyện, tập trung nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch.
Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt mức cao nhất là 2% còn đa phần chỉ đạt 1%. Cụ thể, nhóm lao động tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 1%; nhóm kinh tế 2%, nhóm đất đai, xây dựng 1%, nhóm hộ tịch 2% vệ sinh an toàn thực phẩm 1%.
Trong tất cả Sở đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì Sở Giáo dục và Đào tạo TP có tỉ lệ nộp hồ sơ xử lý cao chiếm 73%, còn Sở Y tế chỉ có 2 hồ sơ trực tuyến/9.066 tổng số hồ sơ.
Sở Thông tin và Truyền thông TP kiến nghị, thời gian tới, các sở ban ngành, quận huyện phải áp dụng đồng bộ, minh bạch thông tin đến người dân như nhắn tin, email, công khai thông tin trên trang thông tin điện tử.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tại buổi họp với lãnh đạo các sở, ngành và 24 quận huyện báo cáo tình hình triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TP vào chiều ngày 15/3
Dịch vụ công trực tuyến nhưng lãnh đạo không truy cập được
Một số sở ngành, quận huyện báo cáo về khó khăn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điển hình là UBND quận 2 đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và thực hiện một cửa liên thông, tuy nhiên liên thông lại chưa thông suốt và việc cập nhập thông tin còn thủ công.
Lý do là chưa có sự phối hợp với Sở Xây dựng hay Sở Tài nguyên môi trường trong cập nhật thông tin cho người dân qua dịch vụ này.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho rằng: “Hiện nay cấp độ 4 cũng chưa liên thông được. Ngay cả lãnh đạo UBND quận cũng không truy cập được phần mềm list của Sở Tài nguyên Môi trường. Không theo dõi được mà chỉ biết đầu ra-đầu vô thôi, phải nhập thủ công”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp để khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, quận, huyện cần xây dựng các tổ tư vấn tình nguyện ở các phường xã cho người dân tiếp cận, tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ông Tuyến khẳng định ””muốn có chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử””, vì vậy sắp tới các đơn vị cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bên cạnh việc phối hợp với các sở ngành hoàn thiện phần mềm.