Điềm xấu đối với G7?

(VOH) - Ngày 5/4, Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Pháp và kéo dài trong hai ngày 5- 6/4/2019

Thế nhưng, phía Mỹ đã thông báo Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo không tham dự hội nghị, dù đây là sự kiện quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay. Quyết định này của Mỹ càng làm dấy lên mối quan ngại về những bất đồng giữa Mỹ với các thành viên còn lại của G7.

Các nước g 7

Ảnh minh hoạ.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ thay thế Ngoại trưởng Mike Pompeo tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại thành phố Dinard, Pháp. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino đã khẳng định “quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, song tuyên bố này không thể xóa tan mối hoài nghi của dư luận khi họ nhận thấy rằng ông Mike Pompeo không hề có lịch trình nào quan trọng trong ngày lẽ ra ông nên xuất hiện tại Hội nghị Ngoại trưởng G7. Vì vậy, về mặt biểu tượng, sự vắng mặt của Ngoại trưởng Mỹ đã gửi đi một thông điệp không mấy tích cực, đó là ông Mike Pompeo có nhiều mối bận tâm hơn so với những vấn đề mà các thành viên của G7 đang quan tâm.

Động thái từ phía Mỹ khiến dư luận không khỏi liên tưởng về những gì đã diễn ra cách đây 10 tháng tại Quebec, Canada, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ về sớm do bất đồng với các thành viên còn lại tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Người ta còn nhớ một bức ảnh đã trở nên vô cùng nổi tiếng ở thời điểm đó: Thủ tướng Đức Angela Merkel nhìn thẳng vào Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngồi bên bàn với ánh mắt chi trích. Bên cạnh bà Merkel là các nhà lãnh đạo châu Âu, cạnh ông Donald Trump là cố vấn tổng thống, ông John Bolton. Giữa họ, nhà lãnh đạo duy nhất của châu Á trong G7 là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khoanh tay đứng nhìn. Bức ảnh được cho là thể hiện một cách hoàn hảo và thực chất mối quan hệ giữa thành viên trong khối: Mỹ một bên, còn Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản ở một bên.

Bất đồng lớn nhất khi đó là chủ nghĩa bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu xuất phát từ việc Mỹ đe dọa áp thuế với một loạt sản phẩm của các đồng minh cũng như tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Những bất đồng không thể hàn gắn trong nội bộ G7 khi đó đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh tại Quebec, Canada không thể ra được tuyên bố chung.

Giờ đây, sau khi Pháp tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố gắng tránh lặp lại kịch bản hồi tháng 6 năm ngoái bằng cách bắt đầu chương trình nghị sự với những vấn đề được đánh giá là dễ thỏa hiệp hơn, ví dụ như đấu tranh chống tội phạm mạng, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo hay giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới. Sau đó, các cuộc thảo luận mới tiến sâu vào những vấn đề gai góc hơn như bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân với Iran, chống biến đổi khí hậu - những vấn đề có “mẫu số chung” rất thấp giữa Mỹ và 6 nước thành viên còn lại. Dù vậy, việc Mỹ không tham gia vào Hội nghị Ngoại trưởng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 8 sắp tới được đánh giá là một tín hiệu không mấy lạc quan, và nước chủ nhà Pháp sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu không muốn hình ảnh “G6+1” tiếp tục lan truyền sau sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.

Nhiệm vụ của nước chủ nhà Pháp và cũng là Chủ tịch luân phiên G7 được đánh giá là hết sức khó khăn. Trong khi hai vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi năm ngoái là chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn chưa được giải quyết, thì hàng loạt những bất đồng lớn hơn được cho là sẽ tiếp tục phủ bóng hội nghị năm nay, đáng chú ý nhất là vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc chiến giữa Mỹ với Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Sau gần 1 năm Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung: Mỹ liên tục thúc ép các nước châu Âu rời bỏ thỏa thuận và áp đặt trừng phạt lên Iran, trong khi các nước châu Âu kiên quyết khẳng định sẽ duy trì thỏa thuận đến cùng, đồng thời xác nhận Iran đang thực hiện tốt các nghĩa vụ trong thỏa thuận thông qua các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hiện Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ có tác dụng trì hoãn quá trình Iran sản xuất bom hạt nhân, đồng thời cáo buộc tình hình bất ổn ở Trung Đông là do sự ảnh hưởng của Iran gây ra. Ngoại trưởng Mike Pompeo mới đây còn tuyên bố không thể đạt được hòa bình và ổn định tại Trung Đông nếu “không đối đầu với Iran”. Với quan điểm này, Mỹ quay ra cáo buộc cả 3 nước châu Âu đã cùng đặt bút ký thỏa thuận là Anh, Pháp, Đức đang phá vỡ kế hoạch trừng phạt Iran của Mỹ. Trong khi đó, EU lại có quan điểm trái ngược với Mỹ, đó là chỉ có Thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với nhóm P5+1 mới có thể duy trì bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của nước này, từ đó đóng góp vào gìn giữ hòa bình chung ở khu vực Trung Đông. Trong một động thái được cho là “thách thức Mỹ”, EU còn phê duyệt một "giải pháp đặc biệt" nhằm giúp các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran và phá vỡ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đơn phương áp đặt với Tehran năm ngoái. Giới phân tích cho rằng, khi nước Mỹ vẫn còn nằm dưới quyền điều hành của Tổng thống Donald Trump, Mỹ và châu Âu gần như không có cơ hội để đạt được cách tiếp cận thống nhất trong vấn đề hạt nhân Iran.

Bên cạnh đó, xử lý mối quan hệ với Tập đoàn viễn thông  Huawei của Trung Quốc cũng dự kiến là một nội dung rất khó đạt đồng thuận tại Hội nghị Ngoại trưởng cũng như Hội nghị Thượng đỉnh G7. Mỹ hiện đã khởi động một chiến dịch lớn nhằm “tẩy chay” các thiết bị viễn thông của Huawei, nhất là khi nhiều quốc gia đang bước vào giai đoạn phát triển mạng Internet 5G. Mặc dù Mỹ đưa ra lý do về vấn đề an ninh trong việc sử dụng thiết bị của Huawei , nhưng dư luận hiểu rằng đằng sau đó là vấn đề phức tạp hơn rất nhiều, đó là cuộc chiến cạnh tranh vị thế cường quốc công nghệ số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy, ngoài Australia và New Zealand đang có những bước đi khá mạnh mẽ nhằm ngăn cản Huawei  thâm nhập thị trường 5G, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu vẫn còn khá thận trọng trước lời kêu gọi của Mỹ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có quốc gia châu Âu nào chính thức ban hành lệnh “cấm cửa” Huawei như Mỹ mong muốn. Ở vào thế đứng giữa trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu cũng có những tính toán lợi ích của riêng mình. Dù có thể có nhiều đối thủ cạnh tranh như Ericsson,Cisco, Nokia hay Samsung, song Huawei  vẫn được đánh giá là nhà cung cấp đi đầu trong lĩnh vực này. Các hãng viễn thông lớn ở châu Âu như Vodafond, Deutsche Telekom, và Orange đều cảnh báo rằng việc "cấm cửa" Huawei sẽ gây trì hoãn việc triển khai mạng 5G nhiều năm trời và đẩy chi phí gia tăng thêm nhiều tỷ đô la Mỹ. Vì thế, Huawei hiện vẫn còn nhiều cơ hội tham gia cuộc đua giành hợp đồng xây dựng mạng 5G tại nhiều quốc gia châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, những bất đồng ngày càng lớn giữa G6 và Mỹ trong nhiều lĩnh vực xuất phát từ những khác biệt ngày càng lớn giữa hai bên, nhất là sau khi ông Donald Trump đảm nhận vị trí Tổng thống với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Vì thế, Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị Thượng đỉnh tại Pháp sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục là bài toán khó đối với Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron ./.

Bình luận