Lịch sử giáo dục nước nhà từng ghi nhận rất nhiều tấm gương cao quí của những thầy cô đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo. Họ đã vượt khó để dạy đạo làm người, dạy chữ, truyền thụ kiến thức và kỹ năng sống cho học trò bằng tâm huyết và gương sáng của chính bản thân, bằng lối sống thanh cao, đạo đức sáng ngời, sự tận tụy hy sinh, ý thức trách nhiệm và tình yêu bao la dành cho học trò. Đó là hình ảnh “bục giảng dưới hầm sâu” thời chiến tranh; là lớp học tuyềnh toàng, mái tranh vách đất ở vùng cao, vùng xa, hải đảo…nơi mà cả thầy lẫn trò cùng vượt khó đến với con chữ. Hay như hình ảnh các thầy cô miệt mài chong đèn trăn trở bên chồng giáo án, bài thi. Thật đáng trân trọng biết bao!
Vâng, đó là hình ảnh đẹp về người thầy của thuở đất nước còn nghèo khó dưới ách thống trị của thực dân; là bục giảng của thầy cô giáo thời mưa bom lửa đạn; là dấu ấn nhà giáo ở những nơi đèo heo hút gió vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo xa xôi. Trong thời buổi hiện nay, để làm tốt thiên chức nhà giáo thì không chỉ có lòng nhiệt huyết, tính gương mẫu, đức hy sinh không thôi, mà nhất thiết phải có ý thức vươn ra để thích nghi và hội nhập thế giới.
Ảnh minh họa - Nguồn: Giáo dục & Thời đại.
Một nền giáo dục tiên tiến ở thời đại toàn cầu hóa phải là nền giáo dục hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, sinh viên. Đã tới lúc cần phải từ giã phương pháp giáo dục theo kiểu đọc chép, truyền thụ kiến thức rộng mà không sâu, nặng lý thuyết - nhẹ ứng dụng, áp đặt trãi nghiệm của người thầy mà xem nhẹ việc khơi dậy năng lực sáng tạo và chủ động của người học. Thời đại ngày nay, muốn phát triển nền Giáo dục - Đào tạo nước nhà thực sự có hiệu quả thì không chỉ những nhà quản lý giáo dục tầm vĩ mô mà ngay chính đội ngũ nhà giáo cũng phải nhận thức sâu sắc yêu cầu đổi mới, thích nghi với nền giáo dục tiên tiến.
Rất mừng là hơn 1 năm qua, Ngành Giáo dục - Đào tạo nước ta đã và đang bước vào công cuộc đổi mới hết sức quan trọng sau khi Nghị Quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được ban hành. Nghị quyết xác định "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế". Thực hiện đổi mới toàn diện thì đâu là nhân tố quyết định ? Rõ ràng là chính đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chính họ mới là người đề ra và thực thi chiến lược đổi mới.
Đổi mới căn bản và toàn diện là đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của người học. Đó là đổi mới việc thi, tuyển, đánh giá kết quả giáo dục. Đó còn là sự quan tâm thiết thực đến đời sống lẫn điều kiện dạy và học của nhà giáo, học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Làm sao có thể thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà nếu như đội ngũ nhà giáo vẫn chưa được chuẩn hóa năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng sư phạm, vẫn cứ phấn trắng bảng đen mà không biết gì về công nghệ thông tin, khoa học giáo dục và cả tình hình thời cuộc ?
Sẽ khó phát triển giáo dục một khi Bộ, ngành, nhà trường và giáo viên chỉ biết trông đợi duy nhất kinh phí bao cấp từ nhà nước mà không biết khơi gợi năng lực xã hội hóa ! Chất lượng giáo dục sẽ chẳng được nâng cao khi mà phương pháp giáo dục còn mang tính áp đặt, mệnh lệnh ! Dân trí sẽ tiếp tục thấp kém và lạc hậu, nếu như đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục lãng quên yêu cầu liên kết đào tạo trên bình diện thế giới trong thời đại internet và thế giới phẳng hiện nay.
Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã là mệnh lệnh cấp thiết của xã hội. Hơn ai hết, Nhà giáo là nhân tố quan trọng và quyết định để thực hiện thành công công cuộc đổi mới này. Xã hội sẽ mãi mãi tôn vinh những thầy cô giáo, những kỹ sư tâm hồn biết tận tụy hy sinh, cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Đã đến lúc chính Người thầy phải đi đầu trong công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà.