Gameshow hài hay nơi "sản xuất sao" theo kiểu "mì ăn liền"

(VOH) - Các chương trình hài kịch giải trí xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình luôn thu hút được sự quan tâm của khán giá. Tuy nhiên, giải trí đến mức nào để vẫn phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục thì dường như vẫn chưa có câu trả lời?

Các chương trình hài thu hút nhiều trẻ em tham gia (Ảnh: Chụp màn hình)

Loạn show hài

Người người diễn hài – nhà nhà diễn hài – câu nói này có lẽ đúng với tình hình gameshow hài đang thường trực trên các kênh truyền hình hiện nay.

Nếu như những năm trước, các gameshow ca nhạc chiếm lĩnh giờ phát sóng, thì nay, đã nhường hẳn cho sân chơi hài. “Rất náo nhiệt”, “rất hoành tráng” là những mỹ từ dành cho các chương trình gameshow hài hiện nay.

Từ hài người lớn đến hài trẻ nhỏ, từ thi hài đến học diễn hài, từ Cười xuyên Việt, Thử thách danh hài đến Đấu trường tiếu lâm, Siêu hài nhí, rồi Học viện danh hài... lần lượt ra mắt khán giả truyền hình.

Không rôm rả, không xôm tụ sao được, khi hào quang, danh tiếng đến với người tham gia quá lớn, sau khi chiến thắng ở một cuộc chơi.

Kết thúc cuộc chơi, người chiến thắng cũng rất háo hức, thừa thắng xông tới khi liên tục tham gia làm “giám khảo” cho một cuộc thi hài tương tự. Điều này kéo theo việc ai cũng có thể làm giám khảo, ai cũng có khả năng thành “thầy phán” sau một gameshow truyền hình, mà đôi khi trước đó, tên tuổi họ còn mờ nhạt trong làng giải trí.

Những ngôi sao nổi nhanh... như chớp

Còn nhớ, trước kia, cái tên Huỳnh Lập hay Nam Thư còn khá mới dù rằng họ cũng đã miệt mài trên sàn diễn, nhưng sau “Cười xuyên Việt – phiên bản nghệ sĩ” thì họ mới trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều và thành giám khảo của “Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội”.

Không thể phủ nhận bước đệm mà các gameshow hài đang mang lại cho người chơi nhưng phải khẳng định lại đó chỉ là “bước đệm” chứ không chắc chắn đó là tài năng thực sự sau một cuộc thi.

Song sự tung hô quá trớn của giám khảo cũng như công tác truyền thông quá mức từ các đơn vị sản xuất chương trình đã vô tình đẩy những người chỉ một lần tham gia cuộc chơi thành ngôi sao, thành thần tượng. Điều đó vô hình chung phủ nhận sự cống hiến nghệ thuật, sự rèn dũa, lao động nghệ thuật nghiêm túc của bao nghệ sĩ khác.

Và nguy hiểm hơn, việc này đã làm cho bộ phận giới trẻ ngộ nhận về sự nổi tiếng, về giá trị nghệ thuật. Nhiều bạn cố tham gia cuộc thi, dù bản thân không có tài năng gì về nghệ thuật, chỉ để mong nổi tiếng sau một đêm. Nhưng sự nổi tiếng đến quá dễ dàng, thì cũng ra đi một cách nhanh chóng.

Những Lệ Rơi mang tiếng cười cho mọi người bằng clip giọng hát “không giống ai”, hay thí sinh chinh chiến qua nhiều cuộc thi Lê Thị Dần, thì diễn hài ngày càng nhạt mà nói như nghệ sĩ Trường Giang là “diễn không cười được” cũng đang dần chìm vào quên lãng.

Họ đành quay về với công việc làm nông trước đó của mình hay phải về phục vụ cho những chương trình “cây nhà lá vườn” ở địa phương. Sự nổi tiếng dù là ở lĩnh vực nào, cũng cần phải có năng khiếu, mà quan trọng là sự trau dồi, rèn luyện, phải “lao tâm khổ tứ”, chứ không thể trông chờ vào một chương trình gameshow hay là sẽ trở thành diễn viên hài nổi tiếng thông qua một chương trình truyền hình thực tế.

Các diễn viên có được may mắn khi công chúng biết đến mình nhiều hơn qua chương trình truyền hình thực tế thì lại càng phải lao động, càng phải học hỏi, nỗ lực để hoàn thiện, nâng cao nghề diễn xuất, chứ không thể sống mãi vào sự tung hô lấp lánh sau một cuộc thi.

Công chúng dễ nhớ nhưng cũng nhanh quên. Một tiểu phẩm hài chỉ có thể coi lần 1, lần 2 nhưng qua lần 3 thì đã nhạt, kém thu hút. Nếu không muốn bị đào thải, nghệ sĩ trẻ cần phải nuôi dưỡng cảm xúc, nuôi dưỡng cái duyên sân khấu, phải sống với sàn diễn, chứ không thể trông chờ vào gameshow truyền hình để thành sao.

Bình luận