Giật mình với thuốc kém chất lượng

(VOH) - Chuyện công ty TNHH Dược phẩm Đông Dương, Quận 1 bị Chi cục quản lý thị trường TPHCM phát hiện 2.000 thùng thuốc các loại có xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… đã hết hạn sử dụng ồn ào từ vài ngày nay.

Điều đáng quan ngại là số thuốc này đang được doanh nghiệp lột bỏ nhãn mác quá hạn sử dụng để dán lại nhãn mác mới có hạn sử dụng đến năm 2011. Hơn 50% số thuốc đã được khoác lên mình lớp date mới. Khi nghe thông tin này nhiều bậc phụ huynh sẽ “giật mình” bởi đa số thuốc hết date lần này là loại siro kích thích tăng trưởng dành cho trẻ em. Thông thường những loại thuốc kém chất lượng thường được “ mông má’ chút đỉnh rồi dạt về những chợ, thị tứ vùng sâu, vùng xa, các đại lý thuốc tư nhân tự do và các quầy thuốc xa trung tâm. Những nơi này ít bị để ý, ít kiểm tra, người dân cũng thiếu thông tin nên chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán thuốc. Chính các lô hàng của công ty TNHH Dược Phẩm Đông Dương nếu “

trót lọt” thì có lẽ đã nằm sâu trong các tiệm thuốc tây ở tỉnh Đak Lak.

Bây giờ thuốc kém chất lượng chẳng những không cần đi xa mà “sống đường hoàng” ngay trung tâm thành phố trong chính những nhà thuốc rất lớn như hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu thuộc công ty cổ phần Minh Phúc. Hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu rất nhiều lần bị thanh tra sở Y tế phát hiện sai phạm trong việc kinh doanh thuốc như bán hàng hết hạn sử dụng, kinh doanh thuốc có bao bì không đủ nội dung thông tin theo quy định. Điều đáng nói là dù đã vi phạm 2-3 lần nhưng nhà thuốc chỉ bị phạt hành chính với số tiền không đáng kể, chẳng thấm gì so với món tiền “

siêu lợi nhuận” thu được từ kinh doanh thuốc, như chuyện chai siro hết date của công ty dược phẩm Đông Dương nhập về có giá 20.000 đồng nhưng được bán với giá gấp đôi.

Để nâng cao công tác quản lý chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường đảm bảo an toàn cho người dùng, 2 năm nay, Bộ Y tế đã tập trung xây dựng hệ thống bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn, thực hành nhà thuốc tốt, quản lý chất lượng toàn diện từ khâu sản xuất, bảo quản, kiểm nghiệm, phân phối, sử dụng và hậu kiểm. Nhưng xem ra đây chẳng phải là biện pháp khả thi trong việc hạn chế thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Bằng chứng là thời gian qua ngành chức năng vẫn liên tục phát hiện những vi phạm , thậm chí là vi phạm ngay ở những hệ thống nhà thuốc có tên tuổi lâu nay .

Về mặt quản lý, cơ quan quản lý dược có chức năng cấp phép cho nhiều loại thuốc nhập khẩu song cũng phải rất lâu mới phát hiện thuốc vi phạm chất lượng, chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe, chủ yếu thuộc nhóm kháng sinh, kháng viêm, tiêu hóa, vitamin... Lâu là bởi ngay trong khâu kiểm tra từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm nghiệm đã mất 5-7 ngày. Đến khi phát hiện thuốc kém chất lượng, trình lên Sở và ra thông báo đình chỉ lưu hành mất thêm một khoản thời gian nữa. Sau cùng việc thu hồi chẳng biết có thu hồi được hay không và thu hồi được bao nhiêu do khâu này thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo.

“Đói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng lúc đau mà người dân uống vào những loại thuốc hết hạn sử dụng thì chẳng những không hết đau mà còn nguy hiểm. Kinh doanh theo kiểu “trục lợi” trên tính mạng con người là hành vi vô đạo đức. Giám đốc một bệnh viện lớn đã nói rằng, “người bệnh đã quá khổ rồi, sao cứ phải gây cho họ thêm đau khổ” khi đặt vấn đề về y đức của bác sĩ. Bây giờ lại phải đặt thêm câu hỏi và dấu chấm than về y đức của dược sĩ. Khi bị phát hiện, ông Nguyễn Văn Vinh, giám đốc công ty TNHH Dược phẩm Đông Dương đã thừa nhận hành vi sai trái của mình với thái độ thành khẩn. Có lẽ không thể làm được gì thêm nên ông Vinh đành thành khẩn khai nhận chăng? Câu hỏi đặt ra là không biết ông Vinh có dám liều một lần thử dùng thuốc hết date xem sao hoặc cho con mình uống thử siro hết “

date” mà công ty định đưa đi tiêu thụ? .

Thanh Xuân